|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ 36 tháng

11:43 | 25/05/2018
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ truy vấn trách nhiệm của bộ Y tế trong việc chậm tiến độ, chậm giải ngân dự án cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức.

Có tín hiệu trì trệ như 12 dự án yếu kém ngành Công Thương

"Dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (đặt tại Hà Nam) chậm tiến độ 18 tháng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng xin gia hạn thêm đến cuối năm 2019. Cơ bản công tác xây lắp đã xong, quý III này lắp trang thiết bị", đại diện Bộ Y tế báo cáo tại cuộc họp về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch năm 2018.

benh vien bach mai va viet duc co so 2 cham tien do 36 thang
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 bản phối cảnh.

Ngắt lời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người chủ trì cuộc họp chất vấn: "Đã chậm 18 tháng, lại xin gia hạn, thực tế đến nay chậm bao nhiêu so với kế hoạch?".

Ngập ngừng, đại diện bộ Y tế đưa ra một vài con số liên quan. Sau cộng nhẩm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: "Là 36 tháng, như vậy dự án đã chậm tiến độ đến 3 năm".

"Việc chậm tiến độ dự án, đối với trách nhiệm của các nhà thầu phải tính toán như thế nào? Việc này các doanh nghiệp đã thực hiện rất tốt. Bộ Y tế có tính toán chuyện đó để làm hiệu quả cho dự án không?", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Nhắc nhở bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý nguy cơ hai dự án này trở thành các dự án thua lỗ yếu kém mới, tương tự như 12 dự án thua lỗ yếu kém của ngành Công Thương. "Tín hiệu này dễ lắm", ông Huệ khẳng định.

"Chậm tiến độ phải có lý do khách quan, không thể kéo dài vì lý do chủ quan. Nếu cứ kéo thì cắt vốn đầu tư hủy dự toán đi thôi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu bộ Y tế phải làm rõ từng hạng mục liên quan từ việc lựa chọn nhà thầu, thi công đến cả việc ai cấp phép thực hiện... để chỉ rõ vấn đề của việc chậm tiến độ và chậm giải ngân.

Về vốn giải ngân, đại diện bộ Y tế báo cáo đến tháng 5/2018, bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân 1.752 tỷ đồng, chiếm 77,76% tổng vốn, bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã hoàn thành 76,36% so với tổng vốn.

Đại diện Chính phủ cho biết sẽ họp riêng về 2 dự án này. Chính phủ giao bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát độc lập để báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ Tài chính, bộ Tư pháp, Kho bạc Nhà nước.

"Nếu các Bộ không có chuyển biến,Thủ tướng, Chính phủ sẽ có giải pháp mạnh, không để tình trạng này tiếp tục", Phó Thủ tướng khẳng định sẵn sàng hủy dự toán, thu hồi các dự án như vậy.

“Giải mã” lý do chậm tiến độ

Trước đó, báo Xây Dựng thông tin, việc thực hiện hai dự án trọng điểm này đang gặp phải một số “tồn tại” cần được tháo gỡ.

Trong quá trình triển khai dự án, tại gói thầu ký hiệu XDBM-01 xây dựng bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, một số thông tin phản ánh có dấu hiệu “không minh bạch” trong việc cung cấp cửa, vách nhôm kính, cửa thép, cửa gỗ công nghiệp, cửa gỗ chống cháy kèm vật tư phục vụ công tác lắp đặt của khối nhà khám và điều trị ban ngày và hệ thống thang máy, thang cuốn.

Cụ thể, tại Hồ sơ mời thầu tại trang 246 mục về: nhôm kính, hệ thống cửa vách, thanh nhôm định hình sơn tĩnh điện, phụ kiện bản lề, tay nắm, khóa cho cửa sổ và cửa đi…yêu cầu sản phẩm có xuất xứ từ các nước G7, chất lượng tương đương Technal (CH Pháp). Hồ sơ dự thầu do nhà thầu chính đề xuất có xuất xứ G7, nhưng thực tế các hạng mục đang được nhà thầu phụ lắp đặt thì chỉ là sản phẩm nhôm được sản xuất tại Malaysia và sơn tĩnh điện tại Việt Nam.

Do bị “tự ý” thay đổi vật liệu không đúng thiết kế tại dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 nên bộ Y tế đã yêu cầu dừng thi công để làm rõ.

benh vien bach mai va viet duc co so 2 cham tien do 36 thang
Dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.

Ngoài ra, liên quan đến công tác thẩm định chi phí đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của 02 dự án bệnh viện này, bộ Xây dựng đã phát hiện ra “hàng loạt” tồn tại trong công tác quản lý dự án, liên quan đến trách nhiệm của ban Quản lý dự án y tế trọng điểm - bộ Y tế.

Đó là các “tồn tại” trong quản lý chi phí, quản lý hợp đồng xây dựng, hồ sơ dự toán hạng mục phần ngầm, thân của hai dự án.

Cụ thể, theo bộ Xây dựng, trong quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đều phải điều chỉnh thiết kế cơ sở, mở rộng diện tích sử dụng, ban Quản lý dự án y tế trọng điểm – bộ Y tế chậm hoàn thành việc lập tổng mức đầu tư điều chỉnh để làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chậm có dự toán thiết kế kỹ thuật được thẩm định và phê duyệt, một số nội dung quy định trong hợp đồng đơn giá điều chỉnh không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, dự toán hạng mục phần ngầm của cả hai dự án trình bộ Xây dựng thẩm định, đều có giá trị tăng vượt khoảng từ 40-50% so với giá trị của hạng mục này trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt trước và sau khi điều chỉnh thiết kế cơ sở...

Đây chính là lý do bộ Xây dựng hoãn thẩm định dự toán các hạng mục phần thân của cả hai dự án để yêu cầu hoàn thành các nội dung về hồ sơ, khiến cho 2 dự án thêm lý do chậm tiến độ.

Ngoài ra, thời điểm đầu năm 2017 báo điện tử VOV cũng đưa tin, cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, tuy nhiên, do tự ý thay đổi vật liệu nên một số hạng mục thi công ở đây đang bị đình chỉ thi công khiến dự án tiếp tục chậm tiến độ.

Các hạng mục nhôm kính, hệ thống cửa vách, thanh nhôm định hình sơn tĩnh điện, phụ kiện bản lề, tay nắm, khóa cho cửa sổ và cửa đi… theo kế hoạch phải có xuất xứ từ các nước G7, chất lượng tương đương Technal (CH Pháp) nhưng thực tế đã được nhà thầu là tổng ty Thành An lắp đặt bằng sản phẩm nhôm được sản xuất tại Malaysia và sơn tĩnh điện tại Việt Nam.

Việc thay đổi vật tư này được ông Phạm Ngọc Lâm – cán bộ đại diện Ban QLDA Y tế trọng điểm (bộ Y tế) tại dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 cho biết là đã “tiết kiệm” được “một số tiền không nhỏ” cho dự án này.

Cũng chính vì khoản “tiết kiệm” không minh bạch, chưa được phê duyệt này mà dự án bị đình chỉ thi công.

Thời điểm giữa năm 2017, trả lời báo Đấu Thầu, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Giám đốc BQLDA Y tế trọng điểm thuộc bộ Y tế cho biết, đây là 2 dự án trọng điểm của bộ Y tế, quy mô dự án rất lớn, công nghệ hiện đại lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Sở dĩ chậm tiến độ, Ban QLDA lý giải, là do trong quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn vì quy mô lớn, phải phối kết hợp và hài hòa về giải pháp thiết kế giữa tư vấn nước ngoài và điều kiện của Việt Nam, chuyển đổi thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế theo quy định của luật Xây dựng 2014.

Các gói thầu thực hiện theo hợp đồng EPC, vừa thiết kế, thẩm định và vừa triển khai thi công, trong khi chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa đơn vị thiết kế trong và ngoài nước, đơn vị thẩm tra, đơn vị thẩm định, cũng như trong áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn châu Âu.

Đại diện Ban QLDA còn cho rằng, trên cơ sở TKKT theo từng hạng mục và giai đoạn được thẩm định, phê duyệt, thì cơ quan thiết kế của tổng thầu mới có thể hoàn chỉnh dự toán để gửi viện Kinh tế xây dựng thẩm tra. Dự toán xây lắp dựa vào nhiều yếu tố phát sinh trong thực tế thi công đã gây nhiều tranh cãi giữa các bên khi thẩm tra, làm mất nhiều thời gian.

Hai dự án đầu tư xây mới cơ sở 2 bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Bạch Mai (xã Liêm Tuyền, TP.Phủ Lý, Hà Nam) nằm trong 5 dự án bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.Hồ Chí Minh” theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014.

Cả hai công trình dự án bệnh viện đều thuộc loại công trình dân dụng cấp I với quy mô 1000 giường bệnh, do ban Quản lý dự án y tế trọng điểm – bộ Y tế là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư mỗi dự án gần 5 nghìn tỷ đồng.

Dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai có mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, tổng thầu khảo sát địa chất giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế kết cấu, thí nghiệm cọc, thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị gắn với công trình khối nhà chính là liên danh tổng công ty 36, tổng công ty 319 và tổng công ty Thành An. Đơn vị thiết kế kiến trúc là công ty VK Studio architects planer & designers và đơn vị thầu phụ thiết kế kết cấu là tổng công ty tư vấn xây dựng dân dụng Việt Nam.

Theo kế hoạch, hai bệnh viện này sẽ hoàn thành cuối năm 2017 song đã bị chậm tiến độ đến nay chưa xong và bộ Y tế đang xin gia hạn đến cuối năm 2019.

benh vien bach mai va viet duc co so 2 cham tien do 36 thang Hà Nội rà soát, phân loại gần 200 dự án chậm tiến độ trên địa bàn
benh vien bach mai va viet duc co so 2 cham tien do 36 thang Phạt hơn 9,3 tỉ đồng 2 dự án tái định cư chậm tiến độ

H.Y (tổng hợp)