Bến Cát vừa lên thành phố của Bình Dương được quy hoạch ra sao?
Thành lập TP Bến Cát, Bình Dương
Bến Cát nằm ở trung tâm tỉnh Bình Dương, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm thành phố cách TP Thủ Dầu Một 20 km, cách TP HCM khoảng 50 km theo quốc lộ 13. Bến Cát có diện tích hơn 234 km2.
Ngày 19/3 vừa qua, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc TX Bến Cát và thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.
Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện trạng dân số của TP Bến Cát là 341.557 người, trong đó dân số đô thị là 262.336 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 76,8%.
Đến năm 2030, dân số khoảng 550.000 người (dân số chính thức 460.000 người, dân số quy đổi 90.000 người), tỷ lệ đô thị hoá khoảng 100%. Đến năm 2050, dân số 800.000 người (dân số chính thức 700.000 người, dân số quy đổi 100.000 người).
Bến Cát được xem là đô thị động lực, hạt nhân của tỉnh Bình Dương với tính chất là trung tâm công nghiệp, văn hoá, giáo dục đào tạo của tỉnh; trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Trong đó công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao và là đầu mối giao thông phía tây nam của tỉnh.
Phát triển kinh tế theo hai trục, ba phân vùng
Theo Dự thảo quy hoạch trên, phát triển Bến Cát theo mô hình cấu trúc phát triển gồm hai trục phát triển; hai hành lang sinh thái và ba phân vùng phát triển.
Hai trục phát triển bao gồm trục Bắc - Nam lấy trục quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn phát triển thương mại, dịch vụ; trục Đông - Tây lấy đường vành đai 4 phát triển đô thị, thương mại dịch vụ.
2 hành lang sinh thái gồm hành lang sinh thái phía tây gắn với trục sông Sài Gòn phát triển hành lang sinh thái nông nghiệp, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy và du lịch sinh thái; hành lang sinh thái sông Thị Tính, phát triển hành lang sinh thái dọc sông gắn với các công viên chuyên đề và dịch vụ du lịch dọc sông.
Ba phân vùng phát triển gồm vùng đô thị trung tâm (phía bắc đường vành đai 4) phát triển đô thị, dịch vụ công cộng, công nghiệp, thương mại dịch vụ; Vùng đô thị - công nghiệp - dịch vụ (phía nam đường vành đai 4 phát triển kinh tế đô thị gắn với dịch vụ thương mai, đào tạo và công nghiệp).
Cuối cùng là vùng đô thị sinh thái, logistics sông Sài Gòn (phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với sông Sài Gòn và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải sông Sài Gòn).
Dự kiến đô thị hóa 100% vào năm 2030
Định hướng đến năm 2030, TX Bến Cát sẽ phát triển không gian đô thị về phía tây trong đó ưu tiên phát triển các chức năng đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ lấy ĐT 744 làm giới hạn.
Khu vực phía tây giáp sông Sài Gòn ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và vận tải đường thuỷ gắn với cảng An Tây, An Điều và ICD Rạch Bắp, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt khoảng 100%.
Dự kiến hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Phát triển hệ thống đô thị Bến Cát gắn với vùng đô thị trung tâm nơi tập trung dân cư chủ yếu, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Đô thị phát triển theo mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông, trong đó công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Giới hạn phát triển tới ĐT 744, bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái dọc sông Sài Gòn. Phát triển hành lang sinh thái sông Thị Tính với cấu trúc xanh đóng vai trò chủ đạo làm trục không gian xanh đô thị.
Bên cạnh đó, đối với phát triển hệ thống khu công nghiệp, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của thành phố dự kiến khoảng 3.430 ha và sau năm 2030, tổng diện tích đất KCN khoảng 4.030 ha, phát triển KCN Bình Dương Riverside ISC với quy mô khoảng 600 ha.
Phát triển hoàn thiện hạ tầng 7 khu công nghiệp hiện hữu bao gồm khu công nghiệp Mỹ Phước 1,2,3; KCN Thới Hòa; KCN Quốc tế Protrade; KCN Việt Hương 2 và KCN Rạch Bắp.
Cùng với đó, điều chỉnh KCN Quốc tế Protrade ra khỏi Danh mục các khu công nghệ cao tại Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mở rộng KCN Rạch Bắp với diện tích khoảng 360 ha và ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp. Đồng thời, điều chỉnh diện tích khu công nghiệp Tân Bình thuộc Bến Cát nằm trong ranh giới phát triển khu đổi mới sáng tạo của tỉnh gắn với Bầu Bàng thành chức năng hỗn hợp.
Sau năm 2030, phát triển KCN Bình Dương Riverside ISC với quy mô khoảng 600 ha và phát triển hoàn chỉnh các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã.
Có tuyến vành đai 4 TP HCM đi qua
Về hạ tầng giao thông TP Bến Cát, đối với hệ thống đường bộ, QL 13 là trục đường chiến lược quan trọng, trục đường Xuyên Á, bắt đầu từ TP HCM, đi dọc suốt chiều dài của tỉnh từ Nam lên phía Bắc nối với tỉnh Bình Phước. Đoạn đi qua khu vực TP Bến Cát dài 17 km từ ranh giới phía bắc phường Mỹ Phước tới ngã tư Sở Sao.
QL 13 đi qua khu vực hiện có mặt đường rộng 23,5 m, bao gồm 6 làn xe; nền đường rộng 29,5 m.
Một tuyến đường khác là đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn qua địa bàn TP Bến Cát từ ĐT 741 đến hết ranh thị xã ở Chánh Phú Hòa, với tổng chiều dài hơn 15 km.
TP Bến Cát còn nằm trên hướng tuyến của đường vành đai 4 TP HCM, đoạn đi qua thành phố có lộ giới 62 m; vượt sông Thị Tính xây dựng cầu Thới An với chiều dài 1,75 km nối liền các phường An Điền và Thới Hòa.
Hiện tuyến đường đã được Becamex đầu tư trong phạm vi khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước dài khoảng 5 km.
Trong tương lai đây là tuyến đường giao thông quan trọng kết nối liên vùng TP HCM, thúc đẩy trao đổi kinh tế, giao thông hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vành đai 4 TP HCM dài hơn 206 km. Trong đó đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18 km; qua Đồng Nai 45,6 km; qua Bình Dương 47,4 km; TP HCM 17,3 km và Long An 78 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 105.964 tỷ đồng.
Hệ thống đường tỉnh đi qua địa bàn bao gồm ĐT 741, ĐT 744, ĐT 748, ĐT 749A với tổng chiều dài khoảng 50 km, tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%, đã và đang được nâng cấp, mở rộng góp phần giảm tải cho QL 13 và kết nối từ các KCN đến các điểm nhà ga, bến cảng trong tỉnh cũng như trong vùng.
Về hệ thống đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh nằm trong chiến lược phát triển GTVT và đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố cũng sẽ có một ga đường sắt Chánh Lưu tại phường Chánh Phú Hòa, diện tích 6,6 ha.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/