Bệ phóng từ APEC
Tháng 11 khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 14% nhờ APEC | |
Xuất khẩu điện thoại sang APEC đạt 19 tỷ USD trong 10 tháng |
Định hình du lịch chất lượng cao
Tháng 11.2017, Đà Nẵng được chọn làm nơi tổ chức Tuần lễ cấp cao (TLCC) APEC 2017. Đây được xem là một bước ngoặt với thành phố bởi nhiều thách thức đến từ chuẩn bị, tổ chức, đảm bảo an ninh, thậm chí cả thời tiết còn không ủng hộ. Vậy nhưng, vượt lên tất cả, Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. "Tuyên bố Đà Nẵng", hiệp định CPTPP (hiệp định TPP đổi tên), những cuộc gặp cao cấp tầm thế giới đã được tổ chức thành công. APEC 2017 trở thành bệ phóng cho toàn bộ lĩnh vực kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Nổi bật trong đó là ngành du lịch dịch vụ chất lượng cao.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nói, mặc dù mục đích chính của các đại biểu là tham dự những sự kiện của APEC, tuy nhiên bên cạnh đó họ vẫn dành thời gian tham quan, trải nghiệm các dịch vụ từ nghỉ ngơi đến ẩm thực, tìm hiểu văn hoá của địa phương. Từ đó, sức mua của các dịch vụ du lịch thành phố cũng tăng,.. "TLCC được xem là một sự thử thách lớn đối với Đà Nẵng khi trong một thời điểm đã đón tiếp hơn 13.000 đại biểu, đặc biệt là các lãnh đạo từ 21 nền kinh tế. Nhưng qua đó lại càng khẳng định được năng lực, tay nghề từ từng lao động đến cấp quản lý địa phương trong việc tổ chức một sự kiện mang tầm thế giới. Đó chính là bệ phóng của du lịch Đà Nẵng, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao trong tương lai", ông Bình nhận định.
Cũng từ APEC, Đà Nẵng đang có cơ sở về hạ tầng vừa được đầu tư, có trung tâm hội nghị lớn, các khu nghỉ dưỡng 5 sao được xây dựng sẵn sàng đáp ứng cho các hội nghị quốc tế. Thêm vào đó, với việc tổ chức nhiều sự kiện từ năm 2008 đến nay, Đà Nẵng được bình chọn là điểm đến sự kiện hàng đầu châu Á (năm 2016).
"Sau TLCC APEC, Đà Nẵng đã để lại những hình ảnh rất tốt đẹp trong mắt bạn bè du khách qua những lời nhận xét đánh giá tích cực của các CEO, các lãnh đạo cao cấp và cả hàng nghìn phóng viên trên toàn thể giới. Đây là những điều không dễ gì có được. Từ bệ phóng này Đà Nẵng cần tính toán để có hướng đi mang tính khác biệt để cạnh tranh với những địa điểm này. Nếu nhắc về biển chúng ta có Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc thì Đà Nẵng phải nổi bật lên đó là du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo kết hợp với nghỉ dưỡng chất lượng cao với những sản phẩm đặc thù đi cùng", ông Bình kỳ vọng.
Môi trường để đón đầu tư
Năm 2018, Đà Nẵng chọn là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đáng nói, thành phố cũng đang có bước chuyển khi tập trung vào các ngành công nghiệp "không khói" và du lịch làm một trong những ngành mũi nhọn để mời gọi nhà đầu tư. Vậy nhưng, dù đang có rất nhiều cơ hội được mở ra từ APEC, từ sự đổi thay của mỗi người dân và lãnh đạo thành phố trong việc định hình ngành du lịch thì Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề.
Đà Nẵng vẫn đang vươn lên mỗi ngày sau những biến động, khẳng định ví trí đầu tàu miền Trung. Ảnh: Lê Tuấn |
Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2017 được tổ chức trước thềm APEC, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, nhìn về du lịch, Đà Nẵng đã có những bước đột phá. Tuy nhiên mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm khác nhau mà nếu không giải quyết những vấn đề đặt ra thì Đà Nẵng sẽ mắc phải những xung đột, thách thức làm ảnh hưởng đến du lịch. Riêng về vấn đề môi trường, ông Tuấn nhấn mạnh: "Suốt dọc tuyến biển của Đà Nẵng hiện nay có hàng chục cửa xả trực tiếp ra biển. Đây thực sự là nguy cơ, thách thức và nó tạo ra những lo ngại cho khách du lịch. Đà Nẵng cần phải giải quyết. Nếu không thì sức cạnh tranh cũng như sự hấp dẫn của thành phố sẽ giảm sút".
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Đà Nẵng cần nói rõ với doanh nghiệp khi phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội bảo đảm phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân. Đà Nẵng xác định mũi nhọn phát triển là du lịch biển và từ năm 2008, chính quyền thành phố cũng đã có đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.
Bên cạnh việc tích cực xúc tiến đầu tư vào du lịch, Đà Nẵng cũng đang tập trung giải quyết các vấn đề môi trường biển, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm tắc đường, kẹt xe, xây dựng các bãi đỗ xe... Theo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng, thành phố đã yêu cầu phải giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường đối với các "điểm nóng" như âu thuyền Thọ Quang, kênh Phú Lộc, các khu công nghiệp. Đặc biệt, vấn đề bức xúc, gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch là tình trạng nước thải tại một số cửa cống ven biển đã được đưa vào mục tiêu giải quyết hàng đầu. Dự kiến thành phố sẽ kết hợp vừa đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước đồng thời đưa dự án phát triển bền vững xây dựng hệ thống kết nối thoát nước thải riêng biệt, nhờ đó giảm thiểu rủi ro về ô nhiễm đối với khu du lịch biển Mỹ An - Mỹ Khê.
Đà Nẵng đã xác định rõ, vấn đề môi trường không chỉ là mối quan tâm của ngành du lịch mà còn là của việc phát triển hạ tầng, định hướng lâu dài của thành phố. Mọi nhà đầu tư đa quốc gia đều mong muốn rằng, sản phẩm của họ được sản xuất từ một nơi mà môi trường được xử lý tốt và điều đó giúp nâng cao giá trị của sản phẩm. Những điểm ô nhiễm đã và đang hiện hữu là những đều xảy ra trong quá trình đô thị phát triển nóng và Đà Nẵng hoàn toàn có thể điều chỉnh ngay từ bây giờ để kịp đón những nhà đầu tư đến với thành phố.