BCTC nhà nước: bước tiến tới minh bạch NSNN
Minh bạch ngân sách là một trong những nguyên tắc quan trọng của quản lý tài chính công hiện đại. Ảnh: MAI LƯƠNG
Mặc dù còn thuộc nhóm các quốc gia xếp hạng thấp về Chỉ số công khai ngân sách (Open Budget Index-OBI) song trong vài năm gần đây, mức độ minh bạch công khai ngân sách của Việt Nam có những thay đổi đáng ghi nhận. Trong kỳ đánh giá OBI 2015, theo yêu cầu có tám tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, Việt Nam đã công bố năm tài liệu.
Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính (BCTC) nhà nước (Nghị định 25). Đây có thể coi như một cam kết rất lớn của Chính phủ nhằm thực hiện yêu cầu minh bạch hơn NSNN.
Bước tiến tất yếu
Mặc dù việc công khai các thông tin NSNN đã được thực hiện ở mức độ nhất định song việc cung cấp các thông tin này còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, các thông tin tài chính nhà nước hiện nay cơ bản đã được theo dõi, thể hiện từng phần hoặc khá chi tiết trên báo cáo tài chính của các đơn vị, theo quy định của chế độ kế toán áp dụng cho từng đơn vị cụ thể. Tuy nhiên, do đặc thù của yêu cầu quản lý, đặc điểm của hệ thống kế toán mà những thông tin đó còn khá rải rác, phân tán.
Thứ hai, vẫn còn một số đối tượng kế toán mới chỉ được theo dõi chủ yếu dưới hình thức thống kê mà chưa được hạch toán kế toán một cách đầy đủ (các khoản công nợ, tài sản nhà nước, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, các khoản nợ của Chính phủ, các công trình cơ sở hạ tầng); bên cạnh đó, các thông tin này cũng chưa được tổng hợp một cách đầy đủ và bài bản theo đúng yêu cầu của quản lý tài chính nhà nước.
Thứ ba, về khía cạnh thông tin tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc từng địa phương, hiện nay chưa có quy định để tổ chức và triển khai hệ thống báo cáo chung của Chính phủ, chính quyền địa phương về tài sản nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn hình thành tài sản và nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu, chi và kết quả hoạt động tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN); tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính, NHNN... Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách vẫn còn một số hạn chế.
Vì vậy, việc ban hành Nghị định 25 là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để hoàn thiện hệ thống thông tin về tài chính nhà nước. Đồng thời, việc xây dựng BCTC nhà nước sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính của nhà nước. BCTC nhà nước cũng sẽ góp phần vào quá trình minh bạch hóa trong quản lý NSNN các cấp.
Những khó khăn có thể hình dung
BCTC nhà nước được kỳ vọng sẽ góp phần làm minh bạch hóa chi tiêu công và giúp người dân giám sát được việc sử dụng NSNN. Tuy nhiên, để làm được điều này, vẫn còn không ít khó khăn phía trước.
Trước hết, theo lộ trình được ghi trong Nghị định 25 thì BCTC nhà nước ở Việt Nam sẽ được lập theo số liệu năm 2018 và công khai lần đầu vào năm 2020. Tuy nhiên, kinh nghiệm ở một số nước, đặc biệt là những nước có nền quản lý tài chính phát triển như Hàn Quốc, Mỹ cho thấy thường từ khi luật quy định đến khi cho ra báo cáo đầu tiên lên tới hàng chục năm. Liệu Việt Nam có thể vượt qua nhiều thách thức kỹ thuật để có thể có báo cáo trong chỉ hơn ba năm tới? Những lúng túng của việc thực hiện Luật Đầu tư công 2014 là bằng chứng cho thấy để đưa chính sách vào thực tiễn sẽ có không ít khó khăn.
Hiện nay, một số chỉ tiêu thống kê sẽ phải nêu trong BCTC nhà nước đã được thể hiện ở nhiều báo cáo khác nhau như báo cáo quyết toán quyết toán NSNN, nợ công... Tuy các chỉ tiêu thống kê từ các báo cáo này còn mang tính tổng hợp và đơn giản nhưng việc các báo cáo NSNN ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu thống nhất.
Hệ thống BCTC nhà nước đòi hỏi rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều thông tin liên quan hoàn toàn chưa được thu thập. Ví dụ với Bộ Giao thông Vận tải, các chỉ tiêu thống kê về tài sản liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông thì mới chỉ có thông tin về nguyên giá tài sản đối với đường sắt trong khi đó các thông tin tài sản về hạ tầng đường thủy nội địa, hạ tầng đường bộ... hiện chưa thống kê được.
Để có thể lập BCTC nhà nước đầy đủ cũng cần có những thay đổi lớn về hệ thống kế toán công. Một số chỉ tiêu của BCTC nhà nước được lập theo nguyên tắc của hệ thống kế toán dồn tích. Khi mà các đơn vị sử dụng ngân sách ở Việt Nam vẫn đang sử dụng hệ thống kế toán dựa trên dòng tiền thì nhiều chỉ tiêu trong BCTC nhà nước sẽ khó có thể tính toán được. Có thể thấy rõ điều này khi xem xét các chỉ tiêu liên quan đến báo cáo kết quả hoạt động. Việc thu thập các số liệu cho báo cáo lưu chuyển tiền tệ, một trong số báo cáo thuộc BCTC nhà nước cũng sẽ là thách thức không nhỏ.
Một vấn đề khác trong thực thi chính sách là khoảng cách giữa văn bản và thực thi. Lập và công khai BCTC nhà nước là một bước đi nhằm cải thiện minh bạch về chính sách tài khóa và NSNN. Nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu như BCTC này được thực hiện một cách minh bạch và đầy đủ. Đặc biệt là phải có chế tài xử lý vi phạm. Bởi thực tế, thời gian qua, mặc dù ta đã có Nghị định 81/2015/NĐ-CP bắt buộc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải công bố thông tin, nhưng tính đến hết tháng 7-2016, mới chỉ có 7/22 bộ ngành, 14/63 địa phương và 16/30 tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện đúng quy định công bố thông tin. Số còn lại không thực hiện, nhưng chưa có một trường hợp nào bị xử lý vi phạm. Đó chỉ là công bố thông tin về DNNN. BCTC nhà nước với quy mô rộng lớn và phức tạp hơn gấp nhiều lần, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau nếu không có chế tài hoặc quy trách nhiệm cụ thể, sẽ khó thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch.
Cuối cùng, người dân kỳ vọng BCTC nhà nước sẽ cung cấp chi tiết các khoản chi tiêu công. Song trên thực tế, các số liệu mà BCTC quốc gia hay tỉnh cung cấp sẽ là số liệu tổng hợp vì số liệu chi tiết sẽ chỉ có trong BCTC của từng đơn vị sử dụng ngân sách cụ thể. Do vậy, về dài hạn cần từng bước thực hiện công khai toàn bộ các báo cáo tài chính của các đơn vị sử dụng ngân sách (ngoại trừ các khoản yêu cầu bí mật).
Báo cáo tài chính nhà nước báo cáo những gì?
Theo Nghị định 25, BCTC nhà nước toàn quốc sẽ phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, BCTC nhà nước tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
BCTC nhà nước (toàn quốc hoặc tỉnh) sẽ công khai các thông tin, bao gồm: tình hình tài sản của Nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập BCTC nhà nước toàn quốc trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, thành phố trình UBND báo cáo HĐND cùng cấp; gửi số liệu về Kho bạc Nhà nước để tổng hợp lập báo cáo tài chính toàn quốc. Việc tổng hợp số liệu, lập BCTC nhà nước được thực hiện trên cơ sở hợp nhất thông tin trên báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước.
BCTC nhà nước toàn quốc và tỉnh được lập theo kỳ kế toán năm được tính từ ngày 1-1 đến 31-12 năm Dương lịch. Việc công khai báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức như: phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/