|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Vương miện' mong manh của Samsung

08:00 | 02/11/2024
Chia sẻ
Từ đỉnh cao của một đế chế công nghệ, Samsung đang phải đối mặt với bài toán giữ vững vị thế giữa sự cạnh tranh khốc liệt.

Samsung Electronics, biểu tượng hàng đầu của Hàn Quốc, đang đối mặt với một khủng hoảng lớn khi kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Báo cáo tài chính quý III của Samsung cho thấy doanh thu và lợi nhuận từ mảng smartphone và chip đều sụt giảm, đẩy thương hiệu vào một thế đối đầu đầy áp lực với các đối thủ lớn như Apple và những nhà sản xuất Trung Quốc, theo Financial Times.

Từ suy giảm thị phần smartphone đến những thách thức trong ngành chip, "vương miện" của Samsung đang trở nên mong manh.

Kết quả kinh doanh quý III thất vọng của Samsung. (Ảnh minh hoạ: AFP).

Cú trượt dài trên thị trường smartphone

Trong quý III năm nay, Samsung là hãng điện thoại duy nhất trong top 5 toàn cầu có lượng xuất xưởng giảm, khiến thị phần toàn cầu của hãng giảm từ 20% xuống còn 18%, mất 0,6% khoảng cách so với Apple. Doanh thu và lợi nhuận của mảng smartphone Samsung bị tác động mạnh khi sự kỳ vọng vào dòng điện thoại gập – vốn là vũ khí cạnh tranh chủ đạo với Apple, không đạt được thành công như dự đoán.

Thay vào đó, các đối thủ Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, không chỉ cạnh tranh về giá mà còn đẩy mạnh các dòng điện thoại gập, trực tiếp thách thức Samsung trên sân nhà của mình.

Theo Park Kang-ho, chuyên gia phân tích tại Daishin Securities, Samsung hy vọng rằng điện thoại gập sẽ tạo lợi thế cạnh tranh so với Apple, nhưng phản ứng của người tiêu dùng lại không như mong đợi.

Với việc Apple triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, nhiều nhà nghiên cứu dự đoán rằng Apple sẽ vượt qua Samsung vào năm sau.

Không chỉ mất thị phần trong thị trường smartphone truyền thống, Samsung còn tụt hạng trong phân khúc điện thoại gập khi Huawei vươn lên dẫn đầu với 27,5% thị phần trong quý II, vượt xa Samsung với 16,4%.

Hãng Trung Quốc này thậm chí còn ra mắt Mate XT – chiếc điện thoại ba gập đầu tiên trên thế giới – để khẳng định vị thế và gửi lời nhắn nhủ đầy thách thức đến Samsung.

 Mẫu điện thoại gập Z Fold 6 của Samsung. (Ảnh: 9to5Mac).

Sức ép đến từ mảng chip và khủng hoảng nội bộ

Không chỉ smartphone, mảng kinh doanh chip nhớ - cột trụ chiếm 60% lợi nhuận hoạt động của Samsung, cũng không thoát khỏi khủng hoảng. Báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận từ bộ phận thiết bị bán dẫn chỉ đạt 3.860 tỷ won, thấp hơn dự kiến 4.000 tỷ won của các nhà phân tích.

Những chi phí "ngoài dự kiến" đã kéo lùi mảng này, khiến nhiều người lo ngại về khả năng cạnh tranh công nghệ cốt lõi của Samsung.

Samsung cũng đã phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi từ Phó Chủ tịch Jun Young-hyun, thừa nhận rằng hiệu suất hoạt động không đạt kỳ vọng đã khiến nhiều người "lo ngại về năng lực công nghệ cơ bản của chúng tôi", theo The Verge đưa tin.

Đối mặt với khủng hoảng, hãng đã áp dụng chế độ làm việc sáu ngày một tuần cho lãnh đạo nhằm nỗ lực xoay chuyển tình hình.

Dù kỳ vọng vào công nghệ AI có thể giúp đẩy mạnh doanh thu chip HBM (băng thông cao), nhưng việc chất lượng chip HBM3e của Samsung không đạt tiêu chuẩn của Nvidia, khiến công ty bị tụt lại sau đối thủ nhỏ hơn nhưng đầy cạnh tranh – SK Hynix.

Dòng chip này chỉ chiếm dưới 10% doanh thu HBM của Samsung, nhưng dự kiến sẽ tăng trưởng lên 50% vào quý IV năm nay nếu vượt qua các bài kiểm tra.

Samsung đang phải đứng trước những bài toán khó giải khi các đối thủ lớn không ngừng lấn tới. Không chỉ là câu chuyện cạnh tranh về thị phần smartphone, mà còn là những khó khăn trong việc duy trì vị thế ở thị trường chip nhớ.

Các chuyên gia nhận định rằng Samsung đã bị cuốn vào lối mòn "tự mãn và quan liêu" trong quản lý, khiến các khủng hoảng dần lan rộng. Park Ju-geun, Giám đốc nhóm nghiên cứu tại Seoul, cho rằng: "Samsung đang đối mặt với các vấn đề mang tính cấu trúc ở hầu hết các mảng kinh doanh, từ chip, smartphone đến màn hình, vốn là những lĩnh vực mà họ từng thống trị."

Trước mắt, Samsung đang cố gắng đẩy mạnh mảng chip AI với dòng HBM3e, cùng kế hoạch phát triển chip HBM4 vào năm tới để giữ vững khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn hoài nghi về tốc độ phục hồi và khả năng khắc phục khủng hoảng của hãng trong thời gian ngắn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thành Vũ