|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bầu Kiên nhận trái đắng với cây tùng Nhật 2 triệu USD

17:23 | 10/07/2019
Chia sẻ
Cây tùng Nhật Bản trong biệt thự của Bầu Kiên trị giá 2 triệu USD chỉ còn là cành củi khô sau vài năm và phải đem bỏ đi.

Làm giỗ cho vườn cây 40 tỷ

Vườn cây tùng La Hán được ông Phan Văn Toàn (tức Toàn đô la, ở TP. Việt Trì, Phú Thọ) trị giá 40 tỷ đồng "lần lượt đi về âm phủ" sau 3 năm nhập về.

Đầu tháng 7/2019, để tưởng nhớ về vườn cây giá trị trở thành củi khô, bán không ai mua - cho không ai lấy, vị đại gia này còn làm lễ giỗ cho vườn cây ngoại của mình. Đồng thời đó là bài học, trái đắng cho sai lầm đắt giá trong cuộc đời 20 năm chơi cây của ông Toàn đô la.

"Đây là học phí đắt giá nhất của đời tôi, hơn 20 năm tôi mua đủ các loại cây. Trong khi cây nội vẫn còn nguyên giá trị thì các cây ngoại nhập về, lúc đầu rất đẹp (thậm chí đẹp hơn cây nội) nhưng sau một thời gian nó cứ đuội dần mặc dù hết lòng chăm sóc, nhờ cả chuyên gia Nhật Bản sang cứu chữa nhưng cây lâu nhất ở với tôi chủ được 8 năm rồi cùng dần dần bỏ cành và chỉ còn lại là... củi khô" - đại gia Toàn đô la chua chát nói.

Theo vị đại gia này, không chỉ mình ông nhận trái đắng về cây ngoại mà rất nhiều vị đại gia khác ở Việt Nam cũng đang rất thất vọng về những cây từ Nhật Bản, Singapore... nhập về.

bau-kien-nhan-trai-dang-cay-tung-nhat-ban-2-trieu-usd

Một trong những cây Tùng được ông Toàn nhập từ Nhật Bản về có giá tiền tỷ nhưng trở thành củi khô sau 3 năm chăm sóc.

Ông Toàn kể: "Những đại gia trong giới cây cảnh như vườn Tùng Nhật Bản trị giá 2.000 tỷ của Trầm Bê ở Trà Vinh, hay vườn cây ngoại của ông Minh ở Bình Dương có giá gần 50 tỷ đồng cũng đang chết dần chết mòn, làm giảm giá trị cả những cây khác trong vườn cây".

Từng có dịp vào trong Trà Vinh thăm vườn Tùng Nhật Bản của Trầm Bê, đại gia Toàn đô la cũng phải trầm trồ thán phục bởi vẻ đẹp và quy mô chăm sóc khi thuê nhiều chuyên gia ăn ngủ tại vườn để chăm sóc. 

Nhưng nỗ lực ấy cũng không thể cứu vãn nổi, vườn cây của Trầm Bê đang chết dần, cây nào còn sống thì cũng không thể như xưa được nữa, sự sống chỉ còn được tính tháng, tính ngày.

"Sau vài năm nhập Tùng ngoại về, anh Minh ở Bình Dương đang phải bán tống, bán tháo cả vườn của mình nhưng cũng ít người mua.

Cây Tùng Nhật Bản trước kia nhập về có giá cả chục tỷ thì nay chuyển ra Hà Nội bán lại với giá 2 tỷ đồng như cũng không ai hỏi. Điều này ngậm ngùi, đắng lắm mà không phải ai cũng dám nói ra..." - đại gia Toàn đô la chia sẻ.

Mới đây nhất là cây Tùng la hán được nhập từ Nhật Bản về của Bầu Kiên lúc mua có giá 2 triệu USD được trồng trong dinh thự ở Q. Tây Hồ - TP. Hà Nội cũng đã chết.

"Chủ cây không chuyển đi vào ban ngày mà phải chuyển trong đêm, một phần vì cây quá to, một phần vì giá trị cây quá lớn nhưng đem lại nỗi thất vọng cho chủ nhân nên không muốn lộ tin tức ra ngoài" - ông Toàn cho biết.

Có nhóm thổi giá cây ngoại

Nhiều năm trở lại đây, phong trào chơi cây ngoại nở rộ tại Việt Nam. Cũng vì thế mà giá trị của cây ngoại được đẩy lên rất cao. Nhưng theo ông Toàn, sở dĩ có hiện tượng này là do một bộ phận trong giới chơi cây cảnh của Việt Nam yếu tố kinh tế nhiều hơn là tình yêu dành cho nghệ thuật, đã hùa cùng với nhau thổi giá trị cây ngoại.

vuon-tung

Vườn Tùng Nhật Bản trị giá 2.000 tỷ đồng của Trầm Bê đang sống dở chết dở.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong giới cây cảnh, ông Toàn cho biết, như một cây Tùng la hán Nhật Bản đẹp lắm thì cũng chỉ được các thương lái mua với giá 10.000 USD, tính cả công vận chuyển từ Nhật Bản về cũng chỉ giao động trong khoảng 250 - 300 triệu đồng nhưng về Việt Nam bán với giá 4 - 5 tỷ đồng.

"Cũng giống như bất động sản, chỉ vài ba năm nữa khi mọi người hiểu ra cây ngoại không thể sống lâu thì mọi thứ sẽ vỡ ra, giá trị của cây ngoại cũng giảm đi thì giống như "bong bóng" vỡ.

Lĩnh vực cây cảnh của Việt Nam sẽ lao đao. Người chơi cây và sinh sống từ nghề cây cảnh cũng gặp lao đao khi bị thiệt hại tới 2 lần, vừa mất tiền và cây ngoại lại vừa không phát triển được cây nội" - vị đại gia này lo lắng.

Theo ông Toàn, để xảy ra tình trạng trên thì ngoài ý thức của người chơi cây thì cũng có một phần đến từ Ban lãnh đạo Hội sinh vật cảnh Việt Nam. Bởi, chính một bộ phận lãnh đạo nằm trong hội này cũng đang vì một lý do nào đó mà cổ súy cho cây ngoại, nhiều người tin theo và đứng trước nguy cơ điêu đứng.

Sắp tới Hội Sinh vật cảnh Việt Nam còn đứng ra tổ chức hẳn một buổi triển lãm để nâng tầm cây ngoại trong khu vực miền Nam.

Theo tôi, không nên tổ chức buổi triển lãm này vì nó mang lợi ích nhóm nhiều hơn là lợi ích tập thể.

Đại gia Toàn đô la thẳng thắn: "Trong khi cây nội giá trị trường tồn, dễ chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao đáng nhẽ phải được khuyến khích phát triển. Tôi từng xuất cây Sanh sang Dubai nên biết, cây sang bên đó họ rất thích, giá trị cây xuất sang đó còn cao gấp nhiều lần giá trị giao dịch tại Việt Nam.

Tại sao chúng ta không khuyến khích người dân, các làng nghề phát triển cây nội để làm điều này mà lại phải đẩy cây ngoại lên, trong khi chắc chắn phải nhận trái đắng?".

Việt Hưng