Bất động sản đang lấy lại niềm tin
Năm 2024 được coi là năm bản lề cho thị trường bất động sản khi hàng loạt giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Bên cạnh đó, các luật quan trọng với thị trường như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã được thông qua. Đây cũng là năm mà thị trường địa ốc được kỳ vọng sẽ phục hồi rõ nét và thực chất hơn.
Chia sẻ tại Tọa đàm bất động sản "Xung lực năm bản lề" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, năm vừa qua chứng kiến giai đoạn mà các doanh nghiệp và thị trường gần như tê liệt, không hoạt động, các dự án gần như dừng lại, không triển khai, "đắp chiếu" nằm chờ vì các thể chế về vốn. Trong khi đó, các nhà đầu tư thiếu niềm tin, hoang mang.
Đến giai đoạn này, sau những cố gắng rất mạnh mẽ mà Chính phủ ban hành, ba bộ luật đã được Quốc hội thông qua và có thể sớm được triển khai giữa năm 2024 và một số bộ luật được thực thi vào đầu năm 2025. Cùng với đó là những văn bản quyết liệt của Thủ tướng chỉ trực diện vào những điểm nghẽn của thể chế như Nghị định 10, Nghị định 08, Nghị định 65…
Đặc biệt là việc Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt vào việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn. Ngân hàng cũng liên tục điều hành để giảm lãi suất cũng như các chính sách cho các doanh nghiệp, dự án được tiếp cận cũng như chủ thể khác trên thị trường có thể dễ dàng vay vốn hơn… Lãi suất dần đi vào mức dễ chịu hơn so với các giai đoạn vài năm trước.
Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo vị này, nếu những sản phẩm này ra được thị trường thì tính hấp thụ của nó cao bởi nhu cầu lớn.
"Cả thị trường gồm doanh nghiệp, khách hàng, nhà đầu tư… đang lấy lại niềm tin, có một cảm giác là niềm tin đang quay trở lại và họ sẵn sàng vào cuộc, tham gia, thấy đã có sự quay lại của các nhà môi giới, các sản phẩm hàng hóa", ông Đính nói.
Phó Chủ tịch VNREA cho biết thêm, những dự án trước đây đã qua thể chế nhưng vướng mắc khó khăn về dòng vốn, thị trường bị chững lại thì giờ đã quay trở lại.
Ông Đính dẫn chứng, đã có hơn 100 dự án có dấu hiệu chào bán, giới thiệu, kích hoạt quay lại thị trường trong quý I/2024. Đặc biệt trên các nền tảng công nghệ, mạng, sự quan tâm của nhà đầu tư, khách hàng đã quay trở lại. Họ đang sẵn sàng để chờ đón những cơ hội sau những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ có tác động với thể chế, thị trường, nền kinh tế để họ xác định câu chuyện đầu tư.
Trong năm 2024 vị này cho rằng, đây là giai đoạn để khởi động chu kỳ mới của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản. Chu kỳ mới này được diễn ra thực hơn, sát nhu cầu hơn và mọi thành phần tham gia đều có tính toán thực tế sát với nhu cầu, nguồn lực. Điều này đồng nghĩa với việc giai đoạn này sẽ không dễ dàng lướt sóng, ăn xổi.
Cũng tại sự kiện, ông Bùi Quý Trung, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Flamingo nhận định, thị trường bất động sản trong năm 2024 sẽ có tính thanh lọc, phát triển một cách bền vững hơn.
"Trong suốt năm qua, chúng ta thấy những doanh nghiệp bất động sản nếu như thực sự không có điều chỉnh để có những sản phẩm sát với nhu cầu thực tế và tiềm lực tài chính của các chủ đầu tư không tốt thì thời điểm này họ cũng rất khó để có thể tham gia vào giai đoạn mới. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng thị trường đang từng bước đi vào giai đoạn phục hồi.
Với những doanh nghiệp bất động sản như chúng tôi thì đó cũng là cơ hội để chúng tôi mang đến những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người mua và nhà đầu tư. Trong quý II và quý III, thị trường sẽ bước vào chu kỳ mới và chúng tôi rất có niềm tin vào điều đó", ông Trung nhận định.
Thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản nào?
Thị trường năm 2024 được cho là sẽ diễn ra theo một số kịch bản. Đơn cử, một là xu thế phục hồi chậm nếu các chính sách tác động đến thị trường không có gì đột biến; hai là phục hồi nhanh và phát triển mạnh nhưng cần có các yếu tố đòn bẩy như vốn đầu tư nước ngoài tăng, hoàn thiện văn bản dưới các luật, nới lỏng chính sách tiền tệ tài chính; ba là thoái trào nếu không có nguồn lực và động lực để phát triển.
Đại diện Flamingo cho rằng, thị trường sẽ nghiêng về kịch bản thứ hai, là đang trên đà phục hồi. “Nói một cách lạc quan thì thị trường vẫn đang trên đà phục hồi. Bởi nếu nói là phục hồi nhanh thì cũng không đúng. Các luật như Luật nhà ở và kinh doanh bất động sản, Luật tổ chức tín dụng, Luật đất đai đang xin ý kiến các đơn vị liên quan để làm sao để có hiệu lực sớm nhất là ngày 1/7/2024. Tôi nghĩ sẽ có một độ trễ nhất định nhưng thị trường sẽ dần dần phục hồi trở lại”, vị này nhận định.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Mai Việt cũng đồng tình với kịch bản thứ hai, tuy nhiên theo ông, cần phải xem xét lại một chút. Bởi vì thị trường không thể phục hồi mạnh mẽ ngay khi các dự thảo luật, các biện pháp tháo gỡ sẽ cần thời gian để đi vào thực tế.
Còn theo ông Đính, trong điều hành vĩ mô, Chính phủ đang hướng đến những chỉ đạo để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn từ năm 2022 - 2023. Những tháo gỡ đó đã diễn ra trong năm 2023 với một chuỗi điều hành, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và đang có kết quả.
"Cụ thể, chúng ta duy trì được nhịp tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa nguy cơ lạm phát, tỷ giá. Gần đây tỷ giá có tăng lên nhưng ngân hàng Nhà nước đã cam kết có giải pháp để ổn định lại. Về thể chế,ít nhất trong tháng 7 có một phần của 4 Luật đã có thể được tháo gỡ", vị này cho hay.
Phó Chủ tịch VNREA cho rằng khi điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ, Nghị định được ban hành theo chỉ đạo của Chính phủ phải có hiệu lực, cơ sở ngay để các địa phương gỡ vướng cho các dự án đang nằm đợi. Lúc đó, các dự án sẽ được triển khai, công trường lại vang tiếng máy...
Do đó, nguồn hàng trên thị trường sẽ bắt đầu được đẩy vào. Nguồn cung được bơm ra, giảm áp lực cầu cao cung thấp, làm thỏa mãn việc mua bán đầu tư, dòng tiền cũng sẽ tuần hoàn. “Tất cả điều đó sẽ diễn ra sau khi có độ ngấm của chính sách, làm tăng sự lưu thông của nền kinh tế”, ông Đính nhấn mạnh.