Bất chấp bị trừng phạt, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất trong 17 năm
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm 'Pukkuksong' được Triều Tiên giới thiệu trong lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. |
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên năm ngoái tăng 3,9% so với năm trước nữa – thời điểm nền kinh tế nước này bị thu hẹp lại do hạn hán và giá cả hàng hóa giảm. Đến năm 2016, nhờ ngành khai mỏ và năng lượng, tốc độ tăng trưởng GDP của Triều Tiên chứng kiến đợt tăng lớn nhất, kể từ lần tăng 6,1% trong năm 1999. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người nước này trong năm 2016 chỉ đạt 1,5 triệu won (tương đương 1.136 USD).
Theo hãng tin Reuters (Anh), trong khi Triều Tiên không bao giờ công bố các dữ liệu về kinh tế, thì Ngân hàng Hàn Quốc hàng năm công bố dữ liệu GDP Triều Tiên kể từ năm 1991 dựa trên thông tin lấy từ các cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Thống nhất Hàn Quốc và Cơ quan Tình báo Quốc gia. Số liệu ước tính này được các tổ chức và nhà nghiên cứu quốc tế tin dùng.
Theo Shin Seung-cheol – quan chức làm việc tại Ngân hàng Hàn Quốc, một phần nguyên nhân khiến kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh là do chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân hoạt động tích cực, việc sản xuất các bộ phận cũng được tính gộp vào khi tính tăng trưởng GDP. Ông Shin cũng cho biết thêm năm 2016, Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất điện nhưng không thể xác nhận liệu việc này có liên quan đến quá trình sản xuất tên lửa hay không.
Kể từ 2006, Triều Tiên phải chịu liên tiếp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của nước này. Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc – đồng minh duy nhất và là bạn hàng lớn nhất của Triều Tiên, quốc gia chiếm 92,5% tổng kim ngạch thương mại của Bình Nhưỡng – đã cấm nhập khẩu than từ nước này, cũng như hạn chế xuất khẩu hàng hóa và dòng chảy dầu vào Triều Tiên.
Kim Suk-jin – một nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) nhận định: Chính vì vậy, kinh tế Triều Tiên năm nay sẽ “chắc chắn” bị tác động từ quyết định cấm nhập khẩu than của Trung Quốc. “Triều Tiên có thể lách luật trừng phạt nhưng than đá thì rất quan trọng đối với kinh tế nước họ, và là mặt hàng rất khó để buôn lậu. Than đá rất dễ bị phát hiện khi vận chuyển”, nghiên cứu Kim giải thích.
Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc ngày 20/7 cho biết Triều Tiên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng do hạn hán tồi tệ nhất trong 16 năm qua. Tuy nhiên, ông Kim nhận xét vẫn còn quá sớm để có thể nói về việc mùa màng Triều Tiên có bị ảnh hưởng hay không, vì Bán đảo Triều Tiên trong nhiều tuần gần đây có mưa.
Mỹ có thể trừng phạt ngân hàng Trung Quốc vì vấn đề Triều Tiên
Trong vòng vài tuần tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp đặt một số lệnh trừng phạt mới nhằm vào các ... |
Trung Quốc tiếp tục nhập khoáng sản của Triều Tiên
Bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ với Triều Tiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu các khoáng sản của Bình Nhưỡng trong ... |
Trump kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai tuyên bố Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải chuẩn bị để áp đặt các lệnh ... |