Bão số 4 không đổ bộ, Thanh Hóa vẫn thiệt hại nặng nề
Theo Văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều ngày 29/8 đến 13h ngày 30/8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Lý Nhân (Yên Định) 308 mm; Ngọc Lặc 257 mm; Triệu Sơn 243,5...
Hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện để thu hoạch ngay diện tích lúa mùa đã chín từ 80% trở lên. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 1.582 ha lúa.
Mưa lớn từ tối ngày 29 đến sáng 30/8 đã khiến 107 nhà bị thiệt hại hoàn toàn và tốc mái, 282 nhà bị ngập nước; đồng thời, UBND các huyện đã tổ chức sơ tán hơn 200 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Nhiều điểm trường ngập sâu trong nước lũ.
Bên cạnh đó, 4 điểm trường bị ảnh hưởng, 15 phòng học, phòng chức năng bị ngập ngay trước thềm năm học mới.
Thiệt hại nặng nề nhất là về nông, lâm nghiệp: Đã có hơn 7.000 ha lúa, cây hàng năm, rau màu... bị gãy đổ, ngập; gia cầm bị chết 2.100 con.
Mưa lớn cũng đã khiến nhiều tuyến quốc lộ như: 15A, 15C, 16, 217, 217B và quốc lộ 47 bị sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường tại 36 vị trí, với khối lượng khoảng 27.650 m3 và nhiều vị trí bị ngập sâu trong nước.
Nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch đã bị ngập, gãy đổ.
Chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân tu sửa, vệ sinh nhà cửa bị ngập, hư hỏng; dọn dẹp các diện tích cây trồng bị thiệt hại; tổ chức thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Cũng trong ngày 30/8, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tổ chức xử lý sự cố sạt lở mái đê phía sông, đoạn từ K1+050- K1+100 đê hữu sông Mã, xã Qúy Lộc, huyện Yên Định.
Nhiều tuyến giao thông chìm sâu trong nước lũ.
Đến 15h cùng ngày, đã xử lý xong sự cố trên. Hiện nay, Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến công trình để xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra.
Sở Giao thông vận tải đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông; đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực gác, làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, sạt lở.
Ngành chức năng đã phải cắm biển cảnh báo tại các khu vực ngập lụt nguy hiểm.