|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bảo hiểm tiền gửi tái cơ cấu tài chính vi mô

10:23 | 01/03/2019
Chia sẻ
Theo Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV), hơn 4 triệu tỷ đồng tiền gửi tại gần 1.300 TCTD đang được bảo vệ, Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được sửa đổi sớm hỗ trợ tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của DIV chi nhánh tại TP.HCM diễn ra mới đây, ông Dương Quốc Long - Giám đốc chi nhánh cho biết, trong năm 2018 vừa qua, với nhiệm vụ phụ trách 164 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tại địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, DIV TP.HCM đã thực hiện kiểm tra tại chỗ đối với 45 đơn vị TCTD tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Bảo hiểm tiền gửi tái cơ cấu tài chính vi mô - Ảnh 1.

Người dân yên tâm hơn khi được bảo hiểm tiền gửi

Cũng trong năm qua, DIV tại TP.HCM đã cử cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại 9 QTDND trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Đơn vị đã phối hợp với chi nhánh NHNN Đồng Nai hỗ trợ 4 đợt chi trả tại 5 QTDND của địa phương; tham gia xử lý hàng loạt các vướng mắc phát sinh và cung cấp thông tin, số liệu cho các lực lượng chức năng nhằm triển khai điều tra vụ án hình sự xảy ra tại một số quỹ tín dụng như Tân Tiến, Thanh Bình và Dầu Giây.

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai thừa nhận, với sự tham gia tích cực của cơ quan bảo hiểm tiền gửi, đến thời điểm hiện tại về cơ bản các đơn vị QTDND thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt trên địa bàn Đồng Nai đã được hỗ trợ tái cơ cấu khá bài bản.

Theo ông Bảo, đội ngũ cán bộ chuyên môn của DIV tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tại các QTDND khá chuyên nghiệp và rành rẽ hầu hết các nghiệp vụ tài chính cũng như pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Với sự tham gia sát sao của DIV, 6 QTDND bị mất thanh khoản tại Đồng Nai đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Việc hỗ trợ thông tin chính sách và chi trả kịp thời cho người gửi tiền tại các QTDND yếu kém đã phần nào tạo ra sự an tâm và lấy lại niềm tin từ người dân vào hoạt động của các QTDND nói riêng cũng như hệ thống TCTD tại địa phương nói chung.

Ông Bùi Xuân Chỉnh - Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Thuận cũng chia sẻ rằng, việc chủ động phối hợp của DIV trong việc cảnh báo, phát hiện các QTDND có vấn đề về tài chính là rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận. Với nhân lực phụ trách mỏng, nhiều chi nhánh NHNN tại các địa phương gặp khó khăn trong việc thanh tra, kiểm soát đối với từng đơn vị tín dụng vi mô nhỏ lẻ.

Vì vậy những báo cáo, phối hợp, đối chiếu số liệu tiền gửi, tiền vay của DIV chính là cơ sở để NHNN các tỉnh quản lý, giám sát tốt hơn đối với các đơn vị TCTD quy mô nhỏ. Cảnh báo và xử lý kịp thời những trường hợp quỹ tín dụng hoạt động sai tôn chỉ mục đích, dẫn đến các sai phạm về tài chính, gây thua lỗ, âm vốn, mất thanh khoản và thiệt hại cho người dân gửi tiền.

Theo ông Đào Quốc Tính - Tổng Giám đốc DIV, trong suốt 20 năm vừa qua với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, DIV đã thực hiện bảo vệ cho khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng tiền gửi tại gần 1.300 TCTD (gồm 95 ngân hàng, 1.200 QTDND và 4 tổ chức tài chính vi mô). Để giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD tham gia bảo hiểm tiền gửi, hàng năm DIV vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tại nhiều NHTM và các QTDND.

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, DIV đã theo dõi, xử lý đối với 25 QTDND có vi phạm về tài chính; chi trả khoảng 27 tỷ đồng tiền bảo hiểm đối với hơn 1.800 người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị kiểm soát và xử lý vi phạm.

Thời gian gần đây, với sự chỉ đạo cụ thể từ phía NHNN, vai trò của DIV trong việc tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém ngày càng được nâng lên. Bên cạnh việc thanh tra, giám sát hiện nay DIV được phép cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa đến sự ổn định hệ thống. Để tạo nguồn tài lực hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém, NHNN cũng đã cho phép DIV được mua trái phiếu dài hạn của TCTD và tham gia quản trị, kiểm soát đối với các TCTD bị kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, DIV cũng được tham gia xây dựng phương án phục hồi đối với các QTDND, tổ chức tài chính vi mô, trên cơ sở phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Hợp tác xã. Điều này tạo thuận lợi khá lớn trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ở các TCTD yếu kém có sai phạm trong hoạt động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới biến động phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống các TCTD, theo ông Đào Quốc Tính, trong năm nay, ngoài việc tiếp tục tập trung mạnh cho hoạt động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các QTDND yếu kém tái cơ cấu, phục hồi hoạt động, DIV cũng sẽ tập trung mạnh vào việc truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi đến các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, cũng trong năm nay DIV sẽ hoàn thành tổng kết quá trình thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi để đề xuất sửa đổi, bổ sung luật này cho phù hợp với những yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn mà DIV đang được NHNN chỉ đạo thực hiện.

Thạch Bình