Bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang. Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng khoảng 36,6 km qua thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau trước ngày 15/3/2022.
Trong đó, đoạn qua thành phố Cần Thơ, bàn giao 2,4 km; đoạn qua tỉnh Hậu Giang, bàn giao 16,5 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, bàn giao 6,3 km; đoạn qua tỉnh Kiên Giang, bàn giao 5,4 km; đoạn qua tỉnh Cà Mau bàn giao 6 km.
Thời gian tới, để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đợt 2 ngày 30/4/2022, dự kiến khoảng 42 km và đợt 3 ngày 30/6/2022 khoảng 30,8 km các đoạn còn lại; lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước hai vụ; khảo sát, lập báo cáo ĐTM (tác động môi trường); lập khung chính sách giải phóng mặt bằng cho 2 dự án (Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) liên quan đến thành phố Cần Thơ và 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau; điều tra các mỏ vật liệu xây dựng tập trung và bãi đổ chất thải rắn xây dựng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, với yêu cầu về tiến độ, khối lượng công việc lớn của dự án, việc phối hợp thực hiện giữa các địa phương với nhau, giữa các địa phương với Bộ Giao thông Vận tải, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn là rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc thực hiện dự án có điều kiện thuận lợi là địa hình bằng phẳng, hướng tuyến chủ yếu tránh các khu đô thị, khu dân cư. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nền đất yếu mất rất nhiều thời gian, nhu cầu vật liệu cho dự án rất cao. Do đó, đề nghị lãnh đạo các địa phương, sở, ngành phối hợp trong quá trình giải quyết các hồ sơ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án thành phần.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 – 2030 và cập nhật dự án cao tốc đi qua Hậu Giang vào Quy hoạch.
Thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; giao Sở Tài nguyên và Môi trường thống kê, cung cấp số liệu thống kê diện tích chuyển đổi đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên và đã gửi về Ban quản lý dự án Mỹ Thuận; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.
Đồng thời, tỉnh đã giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện có dự án đi qua phối hợp, hỗ trợ tối đa để thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, quản lý chặt chẽ xây dựng có tuyền đường đi qua; đề nghị các đơn vị ảnh hưởng hạ tầng kỹ thuật khẩn trương xây dựng phương án di dời các hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng thi công.
Về kế hoạch giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch giải phóng mặt bằng để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, giao mặt bằng đến đâu tỉnh sẽ tiếp nhận, thực hiện giải phóng mặt bằng đến đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang thông tin.
Tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đại diện Liên danh Tư vấn gồm Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (TEDIS) - Công ty cổ phần tư vấn Trường Sơn và đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau đã ký biên bản bàn giao Hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1).
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tổng chiều dài 109 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 27,25 nghìn tỷ đồng là các dự án quan trọng quốc gia, đi qua nhiều địa phương, có quy mô lớn, hiện đại.
Việc sớm hoàn thành các dự án sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung, tạo điều kiện kết nối thông suốt, thuận lợi với Tp. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/