Bài toán xuất khẩu trong môi trường thế giới biến động
Thay vì chúng ta cố gắng tham gia các FTA, giảm hàng rào thuế quan xuống, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng để vượt qua các rào cản về mặt kỹ thuật quan trọng không kém. Ảnh: UYÊN VIỄN
Cơ sở nào để khẳng định như vậy? Theo ông Doanh, thứ nhất là vì chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump là quá khó dự đoán. Tình hình có khả năng còn diễn biến phức tạp hơn rất nhiều và có thể Trump “phá” cả WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). “Trump tuyên bố có thể rút ra khỏi WTO. WTO mà bị một nước như Mỹ thách thức như vậy, thì các nước còn lại sẽ ứng xử thế nào?”, ông Doanh đặt vấn đề.
Đàm phán FTA với Mỹ hay chờ TPP?
Trước tình hình như trên, ngoài việc kết nối chặt với Nhật Bản cũng như Ấn Độ về một số vấn đề, thỏa thuận có liên quan, theo ông Doanh, Việt Nam sẵn sàng đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ (FTA). “Vấn đề là Trump có định làm gì hay không? Cho đến nay chưa thấy và nếu đàm phán FTA, thì Mỹ sẽ mở cửa cho hàng Việt Nam vào, tức Trump không giữ được lời hứa tạo ra 27 triệu công ăn việc làm của ông ấy”, ông Doanh phân tích.
Tuy nhiên, ông Doanh kể ông đã từng nói với quan chức Mỹ rằng ông Trump ra những tuyên bố chẳng có nghiên cứu gì cả. “Ví dụ, Trump tuyên bố ngăn tường với Mexico, tôi nói ngay với người Mỹ là sẽ có 30% số cam ở California của Mỹ bị thối vì không có người Mỹ nào sẵn sàng đi hái cam với giá 3,5 đô la Mỹ/giờ như người Mexico cả”, ông Doanh nói.
Tương tự, nếu ông Trump muốn tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, thì liệu dân Mỹ có định làm da giày, dệt may như người Việt Nam hay không?
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng để vượt qua các rào cản về mặt kỹ thuật quan trọng không kém, bởi chi phí cho việc này đôi khi lớn hơn cả chênh lệch về thuế quan chúng ta được hưởng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Văn cho biết trong khối TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, gồm có 12 nước), tính quy mô kinh tế bằng GDP thì Mỹ chiếm gần 74%. Nếu Mỹ rút, thì TPP chết. “Chúng ta chỉ còn hy vọng nếu ký được một FTA với Mỹ thì chúng ta có thể vớt vát lại được phần nào ba phần tư giá trị TPP đó, đấy là quan điểm của tôi”, ông Văn chia sẻ.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng năm 2001, Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Mỹ (BTA), tuy nhiên hiệp định này chỉ chủ yếu nêu ra các nguyên tắc về thương mại.
“Việt Nam có cơ sở để nâng cấp BTA lên thành FTA giữa Việt Nam và Mỹ hay không?”, ông Tuấn nêu câu hỏi và cho rằng hoàn toàn có cơ sở thuyết phục Mỹ, dù sẽ gặp khó khăn.
Cụ thể, theo ông Tuấn, thứ nhất, dù đối với Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1, nhưng đối với Mỹ, nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ là một con số rất nhỏ, chưa tới 1%/tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ so với thế giới. “Vì vậy, mức độ hàng hóa Việt Nam có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ là cực kỳ hạn chế. Nó chỉ thách thức do một số nhóm vận động hành lang, đặc biệt ở một số sản phẩm Việt Nam đang có thế mạnh xuất vào Mỹ, còn các mặt hàng công nghiệp khác, họ không bị ảnh hưởng trực diện. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đàm phán một FTA trên cơ sở dung hòa lợi ích các bên”, ông Tuấn nhận định.
Thứ hai, cam kết và lợi ích của Mỹ đối với vấn đề biển Đông có thể khiến Mỹ vẫn chấp nhận đàm phán một FTA theo hướng linh hoạt hơn.
Song, theo ông Tuấn, có một câu hỏi ở đây là liệu bốn năm nữa Donald Trump có tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai để theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc theo hướng cực đoan như hiện nay hay không? Rõ ràng, một quyết định cho Việt Nam trong tình thế như vậy là rất khó khăn, cần phải xem xét kỹ.
Dư địa cắt giảm thuế không còn nhiều, chi phí vượt rào cản kỹ thuật cao
Tuy nhiên, có một khía cạnh, mà theo ông Tuấn, cần phải nhìn nhận cho đúng. Đó là lợi ích từ TPP trong việc cắt giảm thuế quan cũng không còn nhiều đối với Việt Nam nữa, bởi với WTO và các FTA khác, thì các mặt hàng phổ thông đã cắt giảm thuế rất lớn rồi. “Hầu như dư địa (cắt giảm thuế) không còn nhiều, mà chỉ còn ở các nhóm hàng nhạy cảm, trong đó, có hàng nông, thủy sản”, ông nói.
Trong bối cảnh này, rào cản về mặt kỹ thuật mới là cái Việt Nam đang gặp khó khăn để vượt qua. “Thay vì chúng ta cố gắng tham gia các FTA, giảm hàng rào thuế quan xuống, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng để vượt qua các rào cản về mặt kỹ thuật quan trọng không kém, bởi chi phí cho việc này đôi khi lớn hơn cả chênh lệch về thuế quan chúng ta được hưởng”, ông Tuấn đánh giá.
Một khía cạnh nữa theo ông Tuấn cũng cần nói đến, ở góc độ vĩ mô, là giá tiền đồng (VND) tăng cao. “Chúng ta cố gắng giảm được 3-5% thuế quan, phải trải qua biết bao nhiêu vòng đàm phán cam go nhưng chỉ cần VND bị định giá cao hơn 3-5% so với giá trị thực thì nó đã lấy mất ngay lập tức (lợi ích từ việc giảm) 3-5% thuế quan. Thay vì giảm thuế 5%, bây giờ nên định giá VND lại để giá trị thực của nó không cao hơn 5%, thì hàng hóa chúng ta đã rẻ tương đối 5% rồi. Về mặt vĩ mô, chúng ta nên tập trung vào khía cạnh đó nữa, chứ không chỉ đơn giản là thuế quan”, ông Tuấn nói.
Định giá VND sao cho có lợi cho xuất khẩu
Ông Tuấn cho biết, Việt Nam chỉ tập trung vào điều hành tỷ giá song phương giữa Việt Nam và Mỹ, mà ít chú trọng đến tỷ giá đa phương - quan hệ tỷ giá giữa Việt Nam với nhân dân tệ của Trung Quốc, với đồng yen của Nhật, với euro, kể cả với tỷ giá của các nền kinh tế trong khu vực.
Bối cảnh đồng đô la Mỹ lên giá so với rất nhiều đồng tiền khác trên thế giới và các nước khác điều chỉnh giảm giá trị đồng tiền của họ so với đô la Mỹ đã làm VND lên giá so với đô la Mỹ, tức một cách tương đối là VND lên giá mạnh hơn so với đồng tiền của nhiều nước. “Điều đó nó khiến cho hàng hóa của chúng ta khó cạnh tranh được với hàng hóa các nước khi cùng thâm nhập vào một thị trường”, ông Tuấn nhận định. Chẳng hạn, đồng yen của Nhật giảm giá, thì hàng hóa Việt Nam sẽ đắt tương đối ở thị trường Nhật, nó khiến khả năng chi trả của người Nhật giảm đi, đó là một thách thức. Điều quan trọng hơn là hàng hóa Việt Nam cũng sẽ đắt hơn của Thái Lan, của Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia... khi cùng thâm nhập vào Nhật Bản. “Đó là thách thức của chúng ta, nhưng chưa có một chiến lược ứng xử cho vấn đề này”, ông Tuấn phân tích.
Câu hỏi được đặt ra là phải làm thế nào để có lợi cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam? Theo gợi ý của ông Tuấn, thay vì thực thi chính sách tỷ giá song phương như nêu ở trên, Việt Nam cần thực thi chính sách rổ tiền tệ. “Các đồng tiền của hai nền kinh tế lớn nhất có quan hệ thương mại lớn nhất với chúng ta chẳng hạn, đưa vào cái rổ để chúng ta xác định ra một chỉ số về tỷ giá hối đoái đa phương và chúng ta sẽ điều hành chính sách tỷ giá trên cơ sở đa phương theo hướng có lợi cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, ông nói.
Cũng theo ông Tuấn, dựa trên cái rổ đó, sẽ có một chỉ số và nhờ đó doanh nghiệp có thể có một chiến lược về bảo hiểm rủi ro tỷ giá đa phương, bởi vì doanh nghiệp trong nước không phải chỉ tập trung vào một thị trường xuất khẩu duy nhất, mà họ có thể xuất khẩu vào EU, Nhật và các nước trong khu vực. “Chỉ số đó sẽ giúp doanh nghiệp lên được kế hoạch bảo hiểm tỷ giá của nhiều đồng tiền khác nhau bằng các hợp đồng phái sinh, thay vì tập trung vào đồng đô la Mỹ duy nhất”, ông nói.