Bắc Ninh lập kỷ lục thu hút vốn FDI gần 4,7 tỷ USD, gấp ba lần năm ngoái
Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính lũy kế đến ngày 31/10/2024, cả nước có 41.501 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 492,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 316,76 tỷ USD, bằng 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước
Trong đó, Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI trong 10 tháng đầu năm nay với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,7 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,15 lần cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến 20/10, toàn tỉnh đã thu hút được 348 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 40 dự án, tức tăng 13% so với cùng kỳ trong đó các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc 220 dự án; HongKong 39 dự án; Singapore 38 dự án); vốn đăng ký mới đạt 1.591,2 triệu USD (tăng 683,2 triệu USD, tức tăng 75,2%).
Lũy kế đến nay, cấp 1.595 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 273.459 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh đã làm việc với hàng loạt doanh nghiệp lớn, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, công ty TNHH Canon Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC (Việt Nam), đoàn doanh nghiệp Đức, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hungary,…
TP HCM đứng thứ 2 với gần 2,1 tỷ USD
Đứng ở vị trí thứ 2 là TP HCM với gần 2,1 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, quy mô trung bình của các dự án FDI đầu tư vào TP HCM không lớn khi địa phương này dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 70,9%).
Quảng Ninh đạt 1,975 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,98 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư cả nước.
Về số dự án, trong 10 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh thu hút được 32 dự án mới với số vốn lên tới 1,75 tỷ USD, đồng thời có thêm hơn 21 dự án tăng vốn với tổng số vốn 217 triệu USD, hai dự án góp vốn mua cổ phần. Tổng cộng, Quảng Ninh thu hút được 1,975 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024.
Hải Phòng đứng thứ 4 cả nước với 1,838 tỷ USD
Tăng 3 bậc so với tháng trước trong bảng xếp hạng 10 địa phương thu hút FDI cao nhất là nước là Hải Phòng, một trong những điểm đến thu hút vốn đầu tư FDI.
Trong 10 tháng đầu năm, Hải Phòng thu hút được gần 1,838 tỷ USD. Trong đó, Hải Phòng đã cấp mới 101 dự án với số vốn cấp mới là 711,7 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 40 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 710,5 triệu USD, số lượt góp vốn mua cổ phần là 36 lượt tổng vốn 415 triệu USD.
Bà Rịa - Vũng Tàu đứng 5 cả nước
Giảm một bậc so với tháng trước, tháng 10 Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với 1,706 tỷ USD.
Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư cho 36 dự án FDI, đạt 95,95% kế hoạch; trong đó, dự án cấp mới là 34 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 1,68 tỷ USD, tăng gấp 2,24 lần so với cùng kỳ, hai dự án điều chỉnh giảm vốn 9,56 triệu USD và 14 lượt góp vốn mua cổ phần với số vốn 34 triệu USD.
Bình Dương tụt xuống vị trí thứ 6
Trong 10 tháng đầu năm, Bình Dương thu hút được trên 1,686 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Bình Dương đã cấp mới 165 dự án với số vốn cấp mới là 679 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 147 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 796 triệu USD, số lượt góp vốn mua cổ phần là 144 lượt tổng vốn 211 triệu USD.
Hà Nội xếp thứ 7 với 1,595 tỷ USD
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Hà Nội đứng thứ 7, giảm một bậc so với tháng trước, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 15,95 tỷ USD, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái do thiếu vắng các dự án quy mô lớn.
Mặc dù thu hút được 228 dự án đăng ký mới với số vốn đạt 1,126 tỷ USD, nhưng Hà Nội không có số vốn điều chỉnh lớn như các tỉnh, thành khác. Số dự án điều chỉnh vốn của Hà Nội trong 10 tháng đầu năm nay là 165 dự án, với tổng số vốn 193 triệu USD. Ngoài ra, Hà Nội cũng có 197 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng số vốn 276,4 triệu USD.
Đồng Nai thu hút được gần 1,58 tỷ USD
Từ đầu năm đến ngày 30/10, Đồng Nai thu hút được gần 1,58 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn cấp mới 84 dự án với tổng vốn đăng ký 852 triệu USD và 77 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 351 triệu USD, 39 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 376 triệu USD.
Bắc Giang đạt 1,51 tỷ USD
Là một trong những địa phương thủ phủ sản xuất công nghiệp của miền Bắc, tuy nhiên Bắc Giang có phần giảm sút trong thu hút vốn đầu tư FDI. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang chí thu hút được 1,15 tỷ USD, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, Bắc Ninh giảm cả về số dự án cũng như số vốn đầu tư. Trong 10 tháng đầu năm nay, Bắc Giang thu hút được 63 dự án mới với tổng vốn 461 triệu USD, 52 dự án điều chỉnh vốn với tổng giá trị 647 triệu USD và 41 dự án góp vốn mua cổ phần với số vốn 43 triệu USD.
Ninh Thuận xếp thứ 10 đạt 1,01 tỷ USD
Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng 10 địa phương thu hút FDI tốt nhất cả nước trong 10 tháng đầu năm là Ninh Thuận. Mặc dù chỉ thu hút được thêm 50 triệu USD vốn đầu tư trong tháng 10, song đây đã là nỗ lực rất lớn của Ninh Thuận khi lọt top 10 địa phương với mức tăng tới 37 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,01 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
Trong 10 tháng đầu năm nay, Ninh Thuận thu hút được 5 dự án đăng ký mới nhưng số vốn đầu tư lên tới 916 triệu USD, hai dự án điều chỉnh vốn với giá trị 24 triệu USD và 7 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng số vốn 69 triệu USD.
Các dự án FDI ở Ninh Thuận chủ yếu tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như: Năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...