|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một địa phương thu hút FDI vượt 45,35% kế hoạch giao, có phát triển kinh tế 10 tháng thế nào?

12:30 | 14/11/2024
Chia sẻ
Trong 10 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn (IIP) Vĩnh Phúc tăng 11,15%, thu hút FDI vượt 45,35% kế hoạch giao, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 10,29%,...

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III của tỉnh có sự phục hồi trở lại ước đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 vùng và thứ 10 toàn quốc, mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Trong 10 tháng, hầu hết các chỉ tiêu có mức tăng khá hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,15%

Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước tính tăng 11,15% so với cùng kỳ.

Một số ngành công nghiệp chủ lực trong tháng 10 gồm: Ngành sản xuất linh kiện điện tử chỉ số sản xuất tăng 5,12% so với tháng trước và 3,89% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất ô tô tăng 8,77% so với tháng trước và giảm 6,10% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất xe máy tăng 12,85% so với tháng trước và giảm 6,23% so với cùng kỳ.

Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 4,45% so với tháng trước và tăng 14,54% so với cùng kỳ; ngành sản xuất kim loại tăng 22,50% so với tháng trước và tăng 5,95% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất trang phục tăng 6,33% so với tháng trước và tăng 2,28% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng một số ngành công nghiệp chủ lực trong tháng 10 của tỉnh Vĩnh Phúc. (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Ngọc tổng hợp)

Gần 1.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Tính đến 15/10, có 1.226 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm nhẹ 1,61%, nhưng tăng về số vốn và số lao động đăng ký với mức tăng lần lượt là 7,79% và 18,09% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, có 318 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại lên 1.544 doanh nghiệp.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn có 992 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó, 836 doanh nghiệp lựa chọn tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn, chiếm tỷ lệ 84,27% và số doanh nghiệp giải thể trong cùng kỳ là 156 doanh nghiệp, tăng 36,84% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung, có 552 doanh nghiệp mới được bổ sung vào nền kinh tế của tỉnh, bình quân mỗi tháng thêm 55 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường tiếp tục chiếm ưu thế, với trung bình 154 doanh nghiệp/tháng, cao hơn 1,5 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (99 doanh nghiệp/tháng).

Tình hình doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 10 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024 của tỉnh Vĩnh Phúc. (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc)

Thu hút FDI vượt 45,35% so với kế hoạch

Tính đến ngày 15/10, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 69 dự án FDI, gồm 30 dự án cấp mới và 39 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 581,4 triệu USD.

So với cùng kỳ, số dự án FDI thu hút trong năm tăng 6,15%, vốn đăng ký tăng 4,25%, vượt 45,35% so với kế hoạch đầu năm (400 triệu USD). Kết quả thu hút DDI đạt 23 dự án (15 dự án cấp mới, 08 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 4.968,5 tỷ đồng, bằng 90,34% kế hoạch giao đầu năm (5.500 tỷ đồng).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10,3% 

Trong tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.326,2 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước và 16,49% so với cùng kỳ.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng  ước đạt 65.906,6 tỷ đồng, tăng 10,29% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 5.666,3 tỷ đồng, tăng 8,97% so với cùng kỳ và doanh thu du lịch lữ hành đạt 462,8 tỷ đồng, tăng 109,73% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước tăng 10,44%

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tính đến 15/10, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 21.320 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ, bằng 67,12% dự toán giao đầu năm.

Ngược lại, tổng chi ngân sách nhà nước đạt 18.576 tỷ đồng, giảm 6,63% so với cùng kỳ nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chi theo kế hoạch, đạt 89,58% dự toán năm.

Ngọc Bảo