|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bắc Giang xuất khẩu lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên sang Nhật Bản

15:59 | 19/06/2020
Chia sẻ
3,7 tấn vải thiều đã được các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối vụ, phía Nhật Bản sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn.

Ngày 18/6, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thu mua vải thiều của người dân xã Tân Sơn và Hộ Đáp (Lục Ngạn) để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, báo Bắc Giang đưa tin.

Đây là chuyến vải thiều đầu tiên trong năm nay của tỉnh Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Theo đó, 2 đơn vị trên đã thu mua tổng số 3,7 tấn vải của các hộ dân thuộc hai xã trên với giá 30.000 đồng/kg.

Toàn bộ diện tích vải này được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản, bảo đảm đúng qui trình sản xuất GlobalGAP và thường xuyên có chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, đánh giá, khảo sát qui trình sản xuất.

Sau khi thu mua vải, toàn bộ sản phẩm được xông hơi, khử trùng, sơ chế, làm khô, đóng hộp, đưa vào bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn); sau đó vận chuyển sang Nhật Bản. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối vụ, phía Nhật Bản sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin, dự kiến từ ngày 19 đến 21/6, 3 Công ty gồm: Cổ phần Ameii Việt Nam; TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu; TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ sẽ thu mua gần 30 tấn vải thiều để xuất sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và Australia.

Bắc Giang hiện có khoảng 28.000 ha vải thiều tập trung tại 5 huyện gồm: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh.

Trước đó, ngày 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để giám sát quá trình khử trùng vải thiều để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường nước này.

Theo báo Chính phủ, sau khi hết thời gian cách li phòng chống COVID-19 theo đúng qui định, ngày 17/6, chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp về huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) kiểm tra hệ thống xử lí khử trùng vải thiều để xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha. 

Đoàn chuyên gia Nhật Bản kiểm tra xong tất cả các công đoạn xử lí vải thiều mà hai bên đã cam kết từ trước, đối chiếu từng phần việc một, đồng thời kiểm tra vận hành xem có đúng yêu cầu phía Nhật Bản đưa ra hay không.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lí xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản công nhận với liều lượng tối thiểu là 32 g/m³ trong thời gian hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của phía Nhật Bản, từ tháng 2/2020, Việt Nam bắt đầu xây dựng cùng lúc 3 hệ thống xử lí xông hơi khử trùng qui mô thương mại đầu tiên tại Việt Nam tại Trung tâm sau nhập khẩu 1 (Hà Nội); tại nhà máy của Công ty Toàn Cầu (Bắc Giang) và tại nhà máy của Công ty Hưng Việt (Hải Dương).

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho hay đến thời điểm này vải thiều sớm của Bắc Giang đã được tiêu thụ hết.

Vải thiều chính vụ đã bắt đầu vào thu hoạch và đang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường trong và ngoài nước theo đúng kịch bản mà tỉnh đã xây dựng từ đầu năm. Hiện giá vải thiều tại Bắc Giang cao nhất từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; bình quân cao hơn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Những ngày qua, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất sôi động, với trên 300 điểm cân; dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. 

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.