|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba trong 4 dự án cao tốc Bắc Nam hoàn thành năm nay đang bị chậm tiến độ

21:19 | 15/06/2022
Chia sẻ
Ba trong số 4 dự án dự kiến hoàn thành năm nay đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng

Tại cuộc họp ngày 15/6 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm thông tin về tiến độ mới nhất của các dự án.

Theo Báo Chính phủ, Thứ trưởng Lâm cho hay, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6 đạt khoảng 23.544 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.

Về tiến độ 4 dự án thành phần hoàn thành năm 2022 (với tổng chiều dài 361 km), Thứ trưởng Lâm cho biết, đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,4 km) có sản lượng thực hiện đến nay đạt 64,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Các đoạn Cam Lộ - La Sơn chậm 1,53%, Vĩnh Hảo – Phan Thiết chậm 1,93%, Phan Thiết – Dầu Giây chậm khoảng 3,8%. 

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng. Tại khu vực dự án, mùa mưa đến sớm hơn so với thường lệ. Đặc biệt, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) còn thiếu khoảng 2,2 triệu m3 đất đắp nền.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) hiện có 5 mỏ đất đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng là 2,2 triệu m3 nhưng chưa thể khai thác do: 1 mỏ với trữ lượng 0,11 triệu m3, nhà thầu đang hoàn thiện các thủ tục liên quan; 4 mỏ với trữ lượng 2,08 triệu m3, địa phương đã tạo điều kiện để các nhà thầu khai thác từ đầu tháng 5/2022 nhưng phải dừng khai thác từ giữa tháng 5/2022 để thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong cho biết thêm, tỉnh đã cấp phép 16/16 mỏ, đáp ứng yêu cầu 7,2 triệu m3 đất đắp nền cho toàn bộ dự án. Tuy nhiên, hiện nay còn 4 mỏ đã cấp phép nhưng đang làm thủ tục cho thuê đất. Lãnh đạo tỉnh khẳng định trong tháng 6, hoàn thành các thủ tục để các mỏ đi vào khác thác, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022.

Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 Đinh Công Minh cho biết, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép mỏ, khẳng định đến 30/6 sẽ hoàn thành toàn bộ đắp nền tuyến chính.

"Chúng tôi cam kết dự án có thể về đích vào tháng 12/2022", ông Minh nói và cho biết, Ban Quản lý dự án đã cắt chuyển 21 km của các nhà thầu chậm tiến độ, giao cho các nhà thầu khác thi công và đang thực hiện các thủ tục bổ sung nhà thầu phụ để thi công khoảng 4 km trong tháng 6/2022. Hiện nay, các nhà thầu đã có những chuyển biến, tổ chức tăng ca, kíp thi công bảo đảm hoàn thành vào tháng 12/2022.

Đối với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) đi qua 12 tỉnh, thành phố, đến nay, các địa phương đã tiến hành kiểm đếm, cắm mốc. Các địa phương đang tích cực chuẩn bị dự án để có thể khởi công vào cuối năm nay.

Bộ GTVT cho biết, đã bàn giao cọc GPMB cho các địa phương là 670,3 km (đạt 93%); 53,4km còn lại (chủ yếu ở các nút giao) sẽ hoàn thành bàn giao cho địa phương trước ngày 30/6/2022.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay tới cuối năm phải hoàn thành 361 km của giai đoạn 1.

Các nhà thầu xây dựng không đáp ứng được yêu cầu thì phải điều chuyển khối lượng, thay thế ngay. Ban quản lý không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng cũng phải thay thế", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận tháo gỡ mọi vướng mắc để các mỏ vật liệu đất đắp còn lại đi vào khai thác, không để ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.

Liên quan đến giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc – Nam (dài 729 km), Phó Thủ tướng nêu rõ "không lùi bất cứ tiến độ nào".

Hồng Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.