Bà Rịa - Vũng Tàu mạnh tay xử lý 'dự án ma'
Các buổi lễ mở bán dự án phân lô tự phát thường được tổ chức vào những ngày cuối tuần. Ảnh: Việt Dũng
Một thời loạn “dự án ma”
Những tháng đầu năm 2019, tình hình giao dịch nhà đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khá sôi động và đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư, công ty môi giới bất động sản, kể cả các cá nhân tiến hành phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đặc biệt là tại thị xã Phú Mỹ.
Cụ thể, vào khoảng đầu tháng 4/2019, bắt đầu từ cổng chào của TP. Bà Rịa và dọc Quốc lộ 51 qua thị xã Phú Mỹ, đặc biệt là con đường tỉnh lộ 81 đi qua các phường, xã Tóc Tiên, Hắc Dịch, Châu Pha, tình trạng phân lô bán nền diễn ra tràn nan. Dọc các tuyến đường lớn tới đường nhỏ, hình ảnh dân môi giới ngồi dưới gốc cây, chân cầu, dựng lều chào bán đất nền là cảnh dễ gặp nhất. Đồng thời, xuất hiện những biển bán đất nền, cũng như những sàn giao dịch, môi giới bất động sản mọc ra dày đặc.
Ở tuyến đường tỉnh lộ 81 đi vào các xã của thị xã Phú Mỹ, trước kia hai bên đường là cánh đồng, đất trồng cây, thì giờ đây những cánh đồng đã bị san lấp, đất được phân lô, cắm mốc, cọc biển để treo đầy những tờ rơi rao bán đất nền.
Đáng chú ý là khu vực thuộc ấp 1, ấp 3, ấp 5, xã Tóc Tiên, hay khu vực đường Hội Bài - Châu Pha, cứ đi vài trăm mét là bắt gặp cảnh tượng đất nông nghiệp bị quây rào, xây dựng một vài con đường nhằm giới thiệu các dự án ảo. Có thể kể đến một số dự án như Phú Mỹ 8 Residence, Phú Mỹ Start Place, Phú Mỹ 7, Phú Mỹ 10… được cho là của Công ty Địa ốc An Tín.
Chính quyền địa phương đã gắn nhiều biển cảnh báo "dự án ma" để người dân cẩn trọng. Ảnh: Việt Dũng
Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm mua đất, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được một nhân viên môi giới tên Hoàng của Công ty Địa ốc An Tín tư vấn rằng, tất cả các dự án của công ty đều có giấy phép và đầy đủ các sổ sách giấy tờ về tính pháp lý của các sản phẩm công ty mình rao bán. Đặc biệt, rất nhiều nhân viên của công ty này đều cam kết bao luôn vấn đề xây dựng trên đất nông nghiệp và tách sổ với diện tích dưới 100 m2.
Ghi nhận thực tế tại các dự án nêu trên của công ty này và rất nhiều tuyến đường trong toàn khu vực, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy hàng trăm biển quảng cáo đất nền dự án được bán tràn lan. Chưa kể, bên trong dự án chỉ là bãi đất trống, mới được san lấp, các tuyến đường nội bộ bên trong vẫn chưa được giải nhựa… xung quanh được bao bọc bởi rừng cây cao su.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về các dự án nêu trên của Công ty Địa ốc An Tín, ông Ngụy Như Sơn, Chủ tịch UBND phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn phường Hắc Dịch chưa có bất kỳ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép và đặc biệt các dự án mang tên Công ty Địa ốc An Tín lại càng không”.
Phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tiếp tục liên hệ với UBND phường Mỹ Xuân, thì ông Nguyễn Thanh Diệu, Chủ tịch UBND phường Mỹ Xuân cũng khẳng định, không biết và không hề có bất cứ dự án nào của công ty địa ốc mang tên An Tín được cấp phép trên địa bàn.
Không chỉ tại thị xã Phú Mỹ, tại nhiều địa phương khác của Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng phân lô bán nền trái phép cũng nở rộ trong thời gian qua. Thông thường, các dự án này sẽ xây dựng một số hạ tầng như đường sá, cột điện rồi phân lô bán cho khách hàng. Nhiều dự án nằm ở khu vực không được phép phân lô, thậm chí có những dự án “ảo” không có trên thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.
Chính quyền mạnh tay xử lý
Trước tình trạng loạn phân lô bán nền, xuất hiện nhiều “dự án ma” trên địa bàn mang dấu hiệu lừa đảo, thu lợi bất chính, chính quyền địa phương đã mạnh tay xử lý những trường hợp sai phạm.
Cụ thể, ngày 13/6, lực lượng chức năng đã đưa xe múc đến để phá dỡ các con đường trên khu đất rộng gần 4 ha, tại ấp 4, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ. Khu đất trồng cao su này được mở đường, kéo cột điện và rồi phân lô đất ở.
Ông Ngụy Như Sơn, Chủ tịch UBND phường Hắc Dịch cho biết, khu đất này của 3 chủ đất gộp lại thành một khu. Những người này đã lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ để phân lô, làm hạ tầng. Chính quyền đã lập biên bản yêu cầu chủ đất tháo dỡ, nhưng đến ngày 13/6, họ vẫn không thực hiện nên tiến hành cưỡng chế.
“Từ cuối năm 2017, nhiều khu đất nông nghiệp trên địa bàn đã bị chủ đất lén lút làm hạ tầng, phân lô. Trường hợp vi phạm nói trên chỉ là một trong 26 vụ vi phạm xảy ra ở phường Hắc Dịch”, ông Sơn cho biết.
Còn tại khu đất ở xã Tóc Tiên, lực lượng cưỡng chế vấp phải sự phản ứng của hàng chục người. Họ lớn tiếng quát tháo, xua đuổi, yêu cầu người của chính quyền đưa xe múc rời khỏi khu đất. Những người này trước đó đến trước trụ sở UBND thị xã Phú Mỹ hò hét. Khi có đông cảnh sát đến, trật tự mới vãn hồi và họ rời đi.
Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phú Mỹ cho biết, đến cuối tháng 5/2019, trên địa bàn thị xã có 113 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xây dựng công trình khi chưa được phép. Theo thống kê, hầu như ở tất cả xã, phường của thị xã Phú Mỹ đều xảy ra tình trạng này. Đặc biệt, trong 113 trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng tại thị xã Phú Mỹ, đến nay vẫn còn gần 60 vụ chưa phục hồi nguyên trạng, trả lại đất nông nghiệp theo quy định.
Khách hàng mua đất đến từ các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương được những người bán đất thuê xe chở đến tham quan nhộn nhịp. Mỗi lô đất có giá vài trăm đến hàng tỷ đồng. Người bán hứa hẹn trong vòng một năm đất sẽ có sổ đỏ và hỗ trợ giấy phép xây nhà cấp bốn.
Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, chính quyền sẽ xử lý các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không đúng mục đích. Tiến hành cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu. Đồng thời, sẽ xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng này.
Vị lãnh đạo này cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác những trường hợp phân lô trái phép gây hậu quả nặng nề khi giao dịch và cần liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn khi có nhu cầu về đất đai.
Trước đó, ngày 3/6, chính quyền phường 12 và ngành chức năng TP. Vũng Tàu đã bắt nóng, tịch thu ngay các phương tiện, dụng cụ dùng để san lấp, làm đường nội bộ tại một khu đất nông nghiệp rộng 14.000 m2 trên địa bàn. UBND TP. Vũng Tàu đã xử phạt chủ đất 24 triệu đồng. Sắp tới, nếu chủ đất không tự phá dỡ công trình, trả lại hiện trạng, chính quyền sẽ cưỡng chế.