|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

AVAKids cán mốc 2 tỷ đồng/shop: Đi sau có phải tay mơ và quân bài chiến lược của MWG trên thị trường mẹ & bé sẽ là gì?

13:51 | 03/06/2022
Chia sẻ
AVAKids là một trong 5 chuỗi mới mà CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động mở ra trong năm nay, cũng là hy vọng của doanh nghiệp để cạnh tranh trên thị trường còn nhiều tiềm năng như mẹ & bé.

Buổi sáng đầu năm mới ngày 10/1, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã chính thức khai trương 5 chuỗi bán lẻ mới, lần lượt gồm AVASport (trang phục, phụ kiện thể thao), AVAFashion (thời trang), AVACycle (xe đạp), AVAKids (sản phẩm cho mẹ và bé) và AVAJi (trang sức).

Tại buỗi lễ khai trương cửa hàng AVASport trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), ông Hiểu Em nói rằng: "Đây là giấc mơ thứ 4 của chúng tôi, sau hệ thống thegioididong, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh".

Vị CEO nhấn mạnh, thông qua động thái mở liên tiếp 5 chuỗi cửa hàng mới (bên cạnh chuỗi TopZone thời gian trước), Thế Giới Di Động đang nhắm mục tiêu trở thành một "tập đoàn bán lẻ đa ngành, với lõi bán lẻ thay vì sản xuất".

Ngày 1/6 vừa qua, tức 5 tháng sau khi các chuỗi mới của MWG chính thức khai trương, trên trang Facebook cá nhân, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh Đoàn Văn Hiểu Em đã đăng tải video kèm dòng trạng thái: “AVAKids chạm mốc 50 cửa hàng!”. Dòng trạng thái này như một sự khẳng định cho cột mốc mà một trong những chuỗi mới của MWG, AVAKids đạt được trên thị trường sản phẩm dành cho mẹ & bé.

Cảm hứng tăng trưởng từ AVAKids

AVAKids được ra mắt cùng thời điểm với các chuỗi mới của MWG, đánh dấu bước lấn sân sang thị trường mẹ & bé. Theo giới thiệu trên trang chủ, AVAKids nhắm mục tiêu tới các “khách hàng nhí” từ 0 – 9 tuổi với các sản phẩm được bày bán chủ yếu bao gồm sữa, tã bỉm, các loại thực phẩm, đồ ăn có nguồn gốc rõ ràng,…

Ngoài ra, AVAKids cũng cung cấp sản phẩm khác như hóa mỹ phẩm chăm sóc mẹ bầu, dụng cụ hỗ trợ quá trình nuôi dạy con nhỏ,… Những sản phẩm được bày bán trong chuỗi AVAKids cũng tương đối đa dạng về cả mẫu mã và sản phẩm, có giá bán từ vài chục nghìn đồng cho tới vài triệu đồng.

Tương tự như các chuỗi trong hệ sinh thái bán lẻ của MWG, AVAKids tập trung phủ sóng các tỉnh phía Nam trong giai đoạn đầu, với các địa phương như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước.

Như chia sẻ của CEO Đoàn Văn Hiểu Em, tính đến ngày 1/6, AVAKids đã chính thức cán mốc 50 cửa hàng sau chỉ 5 tháng đi vào hoạt động. Theo nguồn tin người viết có được, doanh thu của các cửa hàng trung bình rơi vào khoảng 1,2 – 2 tỷ đồng/shop, trong đó doanh số online chiếm 25 – 30%.

Trong năm nay, AVAKids đặt mục tiêu có tổng cộng 200 cửa hàng, tiếp tục phát triển thêm trong giai đoạn 2023 – 2024. Đồng thời, chuỗi mới của MWG sẽ tiếp tục mở rộng ở thị trường chính là TP HCM trước khi tiến tới các tỉnh miền Đông và miền Tây, trong tương lai có thể sẽ đi vào cả thị trường nông thôn.

Tiềm năng thị trường mẹ và bé

Thực tế, thị trường mẹ & bé là một thị trường tiềm năng, nhưng chưa được khai thác triệt để và hiện tại vẫn còn tương đối phân mảnh. Theo ước tính của Nielsen, doanh thu của thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng tới 30-40%. Thậm chí, bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch của hệ thống cửa hàng mẹ và bé Bibo Mart, từng tiết lộ thực tế qui mô thị trường này đã vượt qua mốc 7 tỷ USD.

Ngày nay, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng mẹ và bé với những thương hiệu quen thuộc như Con Cưng, Bibo Mart, Shoptretho, Kids Plaza,… qui mô hoành tráng nằm ngay trên mặt tiền của các con phố lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Con Cưng là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành này, với tổng cộng 654 siêu thị trên toàn quốc, chiếm khoảng 9% thị phần.

Theo sau lần lượt là Bibo Mart (164 cửa hàng), Kids Plaza (157 cửa hàng), Shoptretho (29 cửa hàng),… Tuy nhiên, những chuỗi cửa hàng đều đã xuất hiện trên thị trường từ trước đó vài năm. Như vậy, chuỗi mới của MWG dù mới gia nhập thị trường, song với tốc độ mở rộng quy mô như hiện tại cùng mục tiêu mà công ty đề ra cho năm nay, nhiều khả năng AVAKids có thể bắt kịp những “tay to” trên thị trường tiềm năng này về số lượng cửa hàng.

Số lượng cửa hàng của các chuỗi mẹ & bé tại Việt Nam tính đến tháng 6/2022. (Doanh Chính tổng hợp).

Tháng 1, theo báo cáo của BSC, Con Cưng đã nhận được khoản đầu tư trị giá 90 triệu USD từ Quadria Capital. Theo ông Lưu Anh Tiến, Tổng giám đốc Con Cưng, công ty sẽ không tổ chức gọi vốn mới ít nhất trong ba năm tới bởi hiện tại lợi nhuận đủ để chuỗi phát triển.

Năm 2021, Con Cưng đạt doanh thu gần 300 triệu USD, ước tính con số này năm 2022 là 500 triệu USD. Chuỗi đặt mục tiêu sẽ có doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023. Hiện tại, Con Cưng thực hiện 1 – 2 triệu giao dịch mỗi tháng.

Trái với sự bành trướng của Con Cưng trong năm qua là sự im ắng của các đối thủ. Những chuỗi khác như Kids Plaza, Bibo Mart, Shoptretho,… đều không công bố doanh thu từ năm 2020, cũng là thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Trước đó, các chuỗi này cũng có chu kỳ tăng trưởng ấn tượng. Đơn cử như Đơn cử năm 2016 Kids Plaza đạt 390 tỉ đồng doanh thu thì cuối năm 2019 con số này đã lên 939 tỉ đồng, tức tăng 1,4 lần chỉ sau ba năm.

Lợi nhuận các chuỗi cửa hàng mẹ & bé tại Việt Nam theo từng năm. (Đồ họa: Thiên Trường).

Theo nghiên cứu thị trường mẹ và bé của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2019 Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước và khoảng 24,2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 – 49 tuổi). Ngoài ra, với khoảng 68% số dân có độ tuổi từ 15 – 64, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Với đặc điểm này, Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan tới bà mẹ và trẻ em.

AVAKids: Đi sau có phải "tay mơ"?

Dự báo về thị trường đồ dùng trẻ em giai đoạn 2016 - 2025. (Nguồn: VNDirect).

Đó cũng chính là lý do mà những năm gần đây, các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại đã không ngừng rót vốn vào thị trường mẹ và bé, khiến lĩnh vực này trở nên sôi động hơn bao giờ hết so với thời gian trước đó.

Thế Giới Di Động là một doanh nghiệp “ngoại đạo” trong ngành bởi đơn vị này thường được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, đồ công nghệ. Tuy xuất phát chậm hơn so với các đối thủ lớn, nhưng không vì vậy mà MWG chịu tỏ ra kém cạnh.

Cụ thể, dù mới “chân ướt chân ráo” tiến vào thị trường mẹ & bé, song chuỗi bán lẻ mới của MWG đã có khoảng 5.000 SKU (đơn vị lưu kho), chẳng hạn như tã sữa, quần áo, đồ chơi, xe đạp, sản phẩm tiêu dùng cho mẹ và bé, thực phẩm bổ sung (ăn dặm, vitamin),… Ngoài ra, AVAKids còn được hỗ trợ bởi hệ sinh thái chuỗi rộng từ MWG.

Bên cạnh đó, trong số 5 chuỗi AVA mới mở, AVAKids cũng chính là chuỗi cửa hàng được VNDirect nhận định có tiềm năng lớn nhất. Theo ước tính của VNDirect, thị phần của các chuỗi bán lẻ hiện đại về đồ trẻ em chỉ chiếm khoảng 20% và 80% thị phần còn lại thuộc về các cửa hàng nhỏ, điều này giúp thị trường này hấp dẫn cho một nhà bán lẻ hiện đại lớn như MWG tham gia.

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.