ASEAN 2020: Thông qua giai đoạn II của Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng
Giữa những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 đối với ngành năng lượng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tổng thể, Hội nghị AMEM 38 đã cam kết định hướng chuyển đổi năng lượng của ASEAN hướng tới một tương lai năng lượng bền vững.
APAEC Giai đoạn II sẽ có chủ đề phụ mới là "Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường năng lượng khả năng phục hồi thông qua đổi mới và hợp tác hơn nữa".
Hợp tác năng lượng ASEAN sẽ tiếp tục theo đuổi 7 lĩnh vực. Cụ thể là chương trình APAEC về lưới điện ASEAN (APG), đường ống dẫn khí Trans ASEAN (TAGP), hiệu quả năng lượng và bảo tồn, năng lượng tái tạo, năng lượng khu vực và hoạch định chính sách, than đá và công nghệ than sạch và năng lượng hạt nhân dân sự.
APAEC Giai đoạn II là kế hoạch mới nhất trong chuỗi các kế hoạch ngành để thực hiện tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đối với ngành năng lượng. Chương trình APAEC mới đóng khung chương trình nghị sự hợp tác năng lượng của khu vực trong năm năm tới cũng như nhiệm vụ dài hạn hướng tới một tương lai năng lượng ASEAN bền vững.
APAEC Giai đoạn II cũng cung cấp những đóng góp về năng lượng khu vực vào các mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN, bao gồm ứng phó với các mệnh lệnh liên ngành để phục hồi kinh tế và tăng trưởng xanh, kì vọng về tính bền vững, ứng phó khí hậu và khả năng phục hồi, nhu cầu của đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng dân số, số hóa và các xu hướng, những vấn đề khác.
Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng, trưởng đoàn cũng đánh giá cao những thành tựu và nỗ lực hướng tới năng lượng bền vững về hiệu quả năng lượng, với việc đã giảm 24,4% cường độ năng lượng ASEAN năm 2018 dựa trên mức độ năm 2015.
Khu vực ASEAN đã vượt qua mục tiêu giảm 20% đặt ra cho năm 2020 và mục tiêu mới được thông qua là giảm 32% cường độ năng lượng vào năm 2025 dựa trên mức năm 2005.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, trưởng đoàn cũng thảo luận về các phân tích trong bản Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6 (AEO6) của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), cho thấy khoảng 70% tiết kiệm tiêu thụ năng lượng đến từ các ngành vận tải và công nghiệp. Cùng với đó là những lợi ích lớn từ việc mở rộng các chương trình tiết kiệm năng lượng của khu vực, bất chấp những thách thức từ tác động của đại dịch.
Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, các Bộ trưởng, trưởng đoàn đã thảo luận về những thách thức của việc triển khai trong khu vực và hoan nghênh các biện pháp mạnh mẽ trong APAEC giai đoạn II để đạt được những mục tiêu về năng lượng tái tạo.
Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng trong ASEAN, các Bộ trưởng, trưởng đoàn cam kết tiếp tục nỗ lực để đạt được tỉ trọng năng lượng tái tạo của ASEAN với mục tiêu 23% vào năm 2025, đồng thời đặt mục tiêu 35% tỉ trọng năng lượng tái tạo trong ASEAN với công suất năng lượng lắp đặt vào năm 2025.
Cũng tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng, trưởng đoàn đã thảo luận về Kế hoạch AEO6, cụ thể, than đá chiếm ưu thế đầu vào nhiên liệu khu vực trong sản xuất điện đến năm 2040, sẽ có tốc độ tăng trưởng 4% hàng năm và khoảng 179 GW công suất bổ sung đến năm 2040.
Do đó, Hội nghị AMEM 38 đã đạt được đồng thuận về việc củng cố và tối ưu hóa vai trò của công nghệ than sạch, bao gồm dự trữ và sử dụng carbon (CCUS) trong việc tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi của khu vực hướng đến nền kinh tế carbon thấp và bền vững.
Bên cạnh đó, đánh giá về chương trình Lưới điện ASEAN (APG), các Bộ trưởng, trưởng đoàn đã đánh giá cao những nỗ lực trong việc mở rộng mua bán điện đa phương và hoan nghênh sự đột phá mới nhằm tăng cường hiện đại hóa và khả năng phục hồi lưới điện để cung cấp lượng điện ổn định, bền vững cũng như cung cấp tỉ trọng cao về năng lượng tái tạo trong lưới điện.
Đáng chú ý, về chương trình Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAGP), các Bộ trưởng, trưởng đoàn nhấn mạnh vai trò của khí tự nhiên trong tương lai năng lượng khu vực và sự cần thiết để tiếp tục theo đuổi thị trường khí cho ASEAN bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận và kết nối LNG.
Cơ sở hạ tầng tái hóa khí ở ASEAN đã được mở rộng hơn gấp đôi từ khi bắt đầu APAEC Giai đoạn I với tổng công suất 38,75 triệu tấn/năm (MTPA) trong 9 kho cảng tái hóa khí LNG tại 5 quốc gia thành viên ASEAN. Chương trình này còn bao gồm 13 đường ống xuyên quốc gia với tổng chiều dài 3.631 km kết nối 6 thành viên ASEAN.
Các Bộ trưởng, trưởng đoàn lạc quan về sự phát triển của cơ sở hạ tầng dự trữ LNG và số lượng kho trữ khí LNG khu vực ASEAN, có khả năng đạt 3-5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Điều này là dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của thị trường khí ASEAN và mong muốn Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE) xác nhận về những hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ các quốc gia ASEAN để hỗ trợ sự phát triển của kho dự trữ LNG và LNG quy mô nhỏ trong khu vực.