|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Apple tăng tốc kế hoạch 'thoát Trung': Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục là hai lựa chọn

21:33 | 01/05/2022
Chia sẻ
Trung Quốc vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Apple trong vai trò là thị trường tiêu dùng.

 CEO Apple Tim Cook. (Ảnh: EPA).

Chuỗi giá trị của Apple tại Trung Quốc - một biểu tượng về vai trò toàn cầu của "công xưởng thế giới" như một nguồn cung cấp lao động và lắp ráp, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải và các địa phương lân cận, theo South China Morning Post. Điều này sẽ thúc đẩy gã khổng lồ công nghệ Mỹ tăng tốc kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc, các nhà phân tích nhận định.

Mặc dù khó có thể đưa ra con số cụ thể về những thiệt hại do sự gián đoạn vận chuyển và sản xuất theo chuỗi giá trị của Apple tại Trung Quốc, song theo Giám đốc tài chính Luca Maestri, việc phong tỏa liên quan tới COVID-19 và tình trạng thiếu chip sẽ làm giảm 8 tỷ USD doanh thu của Apple trong quý II.

Ông Maestri cho biết tác động này là lớn hơn nhiều so với quý trước. Đồng thời cảnh báo về tác động có thể xảy ra trong việc nhu cầu tiêu dùng giảm ở Trung Quốc do phong tỏa.

Trong quá khứ, mối liên hệ chặt chẽ giữa Apple và Trung Quốc được củng cố bởi hai yếu tố. Thứ nhất, Trung Quốc là một trung tâm lắp ráp lý tưởng cho Apple, nhờ cơ sở hạ tầng tiên tiến, lực lượng lao động có tay nghề cao và dịch vụ hậu cần hiệu quả. Các linh kiện từ Đài Loan, Hàn Quốc và các nơi khác sẽ được tập hợp lại để lắp ráp thành iPhone, iPad trong các nhà máy Trung Quốc và bán ra toàn thế giới.

Thứ hai, chỉ riêng Trung Quốc cũng đã là một thị trường lớn thứ hai của Apple, nhờ tầng lớp trung lưu ngày một tăng, người dân ngày càng giàu có trong thập kỷ qua, các nhà phân tích cho hay. Tuy nhiên, sự liên kết này đang bị đe dọa.

Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải và Giang Tô - những trung tâm tài chính, sản xuất quan trọng, kể từ cuối tháng 3 để kiểm soát COVID-19, đã làm dấy lên những nghi ngờ về quan điểm cho rằng Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn đối với Trung Quốc khi Việt Nam và Ấn Độ, đang trở về thời bình thường mới sau COVID-19, và muốn chiếm thị phần lớn hơn trong chuỗi giá trị Apple.

Theo tính toán của South China Morning Post, hơn một nửa trong số 192 nhà cung cấp của Apple có địa điểm sản xuất tại Thượng Hải và Giang Tô, bao gồm: Foxconn, Pegatron, Quanta, Wistron và Compal.

Ngoài ra, hai nhà máy Foxconn ở Thâm Quyết đã phải tạm dừng hoạt động trong nhiều ngày từ tháng 3, khi cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất tại Trịnh Châu thiếu lao động do các quy định hạn chế về dịch bệnh đã khiến các công nhân từ nơi khác đến không thể vào nhà máy làm việc.

Đối với các nhà cung cấp hoặc các nhà thầu ít được biết đến hơn trong chuỗi giá trị của Apple, việc duy trì hoạt động ở mức bình thường thậm chí còn khó hơn. Foxconn đã phải dừng toàn bộ hai nhà máy ở Côn Sơn trong tuần trước sau khi một công nhân trong hệ thống khép kín của họ bị nhiễm COVID-19.

Ming-Chi Kuo, một nhà phân tích tại TF Securities, dự báo việc đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc sẽ khiến lượng hàng xuất khẩu trong quý này của Apple giảm từ 30% đến 40%. Đồng thời cho biết sự thiếu hụt này có thể thu hẹp xuống 15% - 25% nếu các nhà cung cấp khác tham gia.

Kuo cho hay thời gian giao hàng Macbook Pro đã bị trì hoãn tới 5 tuần vì nhà lắp ráp duy nhất Quanta đã tạm dừng hoạt động tại Thượng Hải.

Ông cho biết thêm, Apple đang bắt đầu xem xét việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và những đợt phong tỏa gần đây càng đẩy nhanh quá trình này. Nhà phân tích này nói rằng việc rời đi không còn là một đề xuất nữa mà nó đã trở thành kế hoạch hành động.

Apple không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về kế hoạch của họ đối với Trung Quốc khi vấp phải các đợt phong tỏa.

Việc phong tỏa do COVID-19 diễn ra trong bối cảnh áp lực địa chính trị đang gia tăng trong kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy hồi sinh ngành sản xuất tại Mỹ và chính quyền mới ông Biden đang làm việc với các đồng minh trong việc giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Apple dưới triều đại Tim Cook đã duy trì mối quan hệ khá êm đẹp với Bắc Kinh, bất chấp các hành động tẩy chay sản phẩm gã khổng lồ công nghệ Mỹ tại Trung Quốc. Tim Cook cũng là người đứng đầu Ủy ban cố vấn cho trường quản lý kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, nơi ông có thể gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tờ The Information đưa tin rằng vào năm ngoái, Tim Cook đã ký một thỏa thuận trị giá 275 tỷ USD để giúp Trung Quốc phát triển công nghệ của mình, đồng thời lót đường cho các hành động khác của Bắc Kinh - vốn có nguy cơ sẽ gây khó khăn cho các thiết bị và dịch vụ của Apple tại quốc gia tỷ dân.

Tuy nhiên mới đây, trong cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư, Tim Cook cho biết Apple có khả năng sẽ chuyển nhiều dây chuyền sản xuất hơn trở về Mỹ, sau khi xem xét các thách thức đang diễn ra.  "Chuỗi cung ứng của chúng tôi mang tính toàn cầu. Chúng tôi sản xuất rất nhiều tại Mỹ và có thể chúng tôi sẽ sản xuất nhiều hơn nữa tại đây vì nhiều chip được tạo ra ở đây", ông nói nhưng không cho biết chi tiết.

Các lựa chọn khác cho Apple có thể bao gồm Ấn Độ - nơi đất đai và lao động rẻ hơn nhiều so với Mỹ. Lượng iPhone sản xuất tại Ấn Độ đã tăng 50% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, khi các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc bị áp đặt.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn cực kỳ quan trọng với Apple với tư cách là một thị trường tiêu dùng. "Tăng trưởng tại Trung Quốc vẫn là động cơ thúc đẩy với Apple", Dan Ives và John Katsingris, các nhà phân tích tại Wedbush có trụ sở tại New York, đã viết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây.

 

Thiên Trường