Anh công bố kế hoạch tài chính trung hạn, siết chặt chi tiêu công
Ngày 17/11, tại Hạ viện Anh, Bộ trưởng Tài chính đã Jeremy Hunt thay mặt chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak công bố kế hoạch tài chính trung hạn (hay còn gọi là Tuyên bố mùa Thu).
Kế hoạch này với các biện pháp thắt chặt chi tiêu công lên tới 55 tỷ bảng Anh (64,8 tỷ USD) nhằm phục hồi lại nền kinh tế, giảm nhẹ gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân, cũng như khôi phục danh tiếng thị trường tài chính hàng đầu thế giới của nước này.
"Tuyên bố mùa Thu" là kế hoạch ngân sách tài chính thay cho gói “Ngân sách nhỏ” được đưa ra vào ngày 21/9 dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Liz Truss, vốn làm thị trường tài chính Anh chao đảo và trước nguy cơ sụp đổ, đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cựu Thủ tướng Truss buộc phải từ chức.
Trong phần phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Jeremy Hunt nhấn mạnh "Tuyên bố mùa Thu" là kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và xây dựng lại nền kinh tế Anh; tập trung vào các ưu tiên chính là sự ổn định, tăng trưởng của nền kinh tế và các dịch vụ công cộng, đồng thời cung cấp “các giải pháp công bằng,” mặc dù phải đưa ra “những quyết định khó khăn”.
Theo các biện pháp trong kế hoạch tài chính trung hạn này, Chính phủ Anh sẽ “giảm hơn một nửa” tiền vay mượn so với dự báo của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) và công bố hai quy tắc tài chính mới: nợ tiềm ẩn phải giảm theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vòng 5 năm và vay của khu vực công phải dưới 3% GDP.
Đồng thời, Bộ trưởng Hunt xác nhận tổng số tiền thắt chặt tài khóa sẽ vào khoảng 55 tỷ bảng Anh, được chia gần như bằng nhau giữa tăng thuế và cắt giảm chỉ tiêu công.
Một loạt biện pháp tăng thuế sẽ được áp dụng, bao gồm đóng băng một số khoản giảm thuế để tăng thu ngân sách.
Ngưỡng đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% sẽ được áp dụng từ mức 125.140 bảng/năm, thay vì 150.000 bảng như trước kia; xe điện cũng sẽ không còn được áp dụng miễn thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2025.
Mức thuế tạm thời 45% sẽ được áp dụng đối với các công ty năng lượng, giúp Anh tăng thu ngân sách khoảng 14 tỷ bảng vào năm tới.
Chi tiêu của chính phủ sẽ tiếp tục tăng theo giá trị thực hàng năm trong 5 năm tới nhưng với tốc độ chậm hơn, thông qua các biện pháp siết chặt kỷ luật chi tiêu công. Theo đó, Anh sẽ không thể đưa viện trợ nước ngoài trở lại mức 0,7% GDP cho đến khi các điều kiện kinh tế cho phép và sẽ duy trì ở mức 0,5% trong phần còn lại của giai đoạn dự báo; nhưng sẽ vẫn “hoàn toàn cam kết” với mục tiêu khí hậu được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) do Anh chủ trì, bao gồm cả việc giảm 68% lượng khí thải ở nước này vào năm 2030.
Ngoài ra, Anh tiếp tục cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng, ít nhất ở mức 2% theo yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sẽ điều chỉnh cụ thể sau khi bản Đánh giá Tổng quát về Quốc phòng, An ninh, Ngoại giao và phát triển được cập nhật vào cuối năm nay.
Khu vực công cũng nhận được sự quan tâm lớn khi chính quyền đảng Bảo thủ của Anh đang phải đối mặt với chỉ trích nặng nề về sự xuống cấp nghiêm trọng đối với các dịch vụ công như giáo dục, y tế.
Ngân sách dành cho giáo dục được tăng thêm 2,3 tỷ bảng/năm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội sẽ được phân bổ thêm 1 tỷ bảng Anh vào năm 2023 và 1,7 tỷ bảng Anh vào năm 2024.
Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cũng sẽ được tăng ngân sách 3,3 tỷ bảng để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay, với hơn 7,1 triệu người đang chờ đợi để được khám chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng Hunt, chính phủ Anh sẽ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, mặc dù phải tìm cách tiết kiệm ngân sách. Các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hỗ trợ vào năm tới để hỗ trợ người dân đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng cao.
Cụ thể, chi phí năng lượng của các hộ gia đình sẽ tiếp tục được giữ ở mức trần trung bình 3.000 bảng/năm trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 4/2023, so với mức 2.500 bảng như hiện nay.
Giá thuê nhà ở xã hội sẽ được giới hạn ở mức 7% thay vì 11% trong năm 2023. Tiền lương sẽ tăng 9,7% trong 2023, lên 10,42 bảng Anh một giờ. Phúc lợi xã hội, bao gồm tiền lương hưu sẽ tăng theo tỷ lệ lạm phát của tháng 9/2022, ở mức 10,1%.
Sau khi “Tuyên bố Mùa thu” được công bố, thị trường đã có những phản ứng ban đầu tương đối tích cực so với gói “Ngân sách nhỏ” mặc dù đồng bảng giảm nhẹ 1% so với đồng USD, nhưng vẫn ở mức 1,179 USD, mức gần như cao nhất trong vòng ba tháng qua.
Lãi suất trái phiếu dài hạn cũng được giao dịch ở mức 3,22%, tăng nhẹ khoảng 0,09 điểm phần trăm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4,5% so với thời điểm chính phủ tiền nhiệm công bố gói Ngân sách nhỏ, khiến thị trường tài chính bất an./.