EVNGENCO3 sắp chi gần 1.500 tỷ đồng trả cổ tức
Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3 - Mã: PGV) vừa thông qua việc chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 13% bằng tiền mặt (1.300 đồng/cp). Ngày đăng ký cuối cùng là 15/7, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/7.
Với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính EVNGENCO3 sẽ chi hơn 1.460 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này. Nguồn vốn chi trả từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 5.027 tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2021. Dự kiến ngày thanh toán là 29/7 tới.
Với việc nắm giữ 99,19% vốn điều lệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ nhận về khoảng 1.448 tỷ đồng tiền cổ tức.
Với tổng công suất 6.560 MW, EVNGENCO 3 hiện là nhà phát điện lớn nhất trên thị trường, không kể công ty mẹ EVN. Xét trên toàn ngành, thị phần công suất EVNGENCO3 đạt khoảng 8,6% của hệ thống điện Việt Nam, tính tới cuối năm 2021.
EVNGENCO 3 có 9 nhà máy điện, trong đó 4 nhà máy nhiệt điện khí, 3 nhà máy thủy điện và 2 nhà máy nhiệt điện than cùng hai công ty con nhiệt điện và 3 công ty thủy điện do EVNGENCO 3 sở hữu 30% vốn. Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ là doanh nghiệp lõi trong hệ sinh thái khi đóng góp tới 46% vào tổng sản lượng điện sản xuất.
Kết quả năm 2021, sản lượng điện sản xuất của Tổng Công ty đạt 29,6 tỷ kWh, chiếm 11,53% sản lượng điện toàn hệ thống điện Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế EVNGENCO3 cả năm ngoái đạt 3.179 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính.
EVNGENCO3 xác định giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục tham gia góp vốn và đầu tư vào các dự án nguồn điện mới - bao gồm các loại hình nhà máy điện: Tuabin khí LNG, thủy điện, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… với tổng quy mô công suất 2,613MW (trong đó điện gió chiếm 750MW, điện khí 1,500MW, còn lại là các nhà máy thủy điện nhỏ).
Theo Chủ tịch HĐQT Đinh Quốc Lâm, tiến độ các dự án đầu tư mới phụ thuộc chủ yếu vào Quy hoạch điện VIII. Ông Lâm cho biết "Đối với điện mặt trời và điện gió, các công nghệ lưu trữ điện của chúng ta chưa đủ sức cạnh tranh. Khi sản xuất ra 1 kw điện thì phải công bằng giữa các nhà đầu tư. Giá điện mặt trời rất cạnh tranh so với nhiệt điện than. Tuy nhiên, theo ông được biết, phát triển điện mặt trời có thể không được ưu tiên đến năm 2030 do vấn đề về pin lưu trữ".
"Về chính danh, Quy hoạch điện VIII vẫn chưa có gì chắc chắn. Do vậy, chúng tôi chưa thể trình các kế hoạch chi tiết về các dự án trong kỳ họp lần này mà phải chờ khi Quy hoạch điện VIII được thông qua, ông Lâm nói.