Ăn Tết truyền thống, tiêu tết 4.0
Sắm Tết online lên ngôi
Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm, là dịp để cả gia đình sum họp, đoàn tụ. Tuy nhiên, đây cũng là dịp mà nhiều bà nội trợ phải đau đầu cân nhắc mua gì, sắm gì, ở đâu... để gia đình vừa có cái Tết trọn vẹn, đủ đầy lại vừa hợp túi tiền.
Kể từ khi các chợ trực tuyến như Shopee, Tiki, Lazada... nở rộ, việc mua sắm online đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người. "Cuối năm ai nấy đều rất bận rộn, nghỉ Tết thường bắt đầu từ ngày 27-28 Âm lịch, trong khi việc đi chợ, sắm sửa đồ ăn thức uống, đồ trang trí nhà cửa ngày Tết lại mất rất nhiều thời gian nên cả tôi và ông xã đều ủng hộ việc mua sắm trên mạng", chị Thu Hà (nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng theo chị Thu Hà, vào một số ngày đặc biệt trong tháng hoặc giáp Tết, các sàn thương mại điện tử thường tung ra nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt "Flash sale" với nhiều mã giảm giá sâu hoặc miễn phí vận chuyển nên không khó để săn được nhiều hàng hóa giá hời. Như vậy, vừa tiết kiệm được một khoản kha khá khi mua sắm lại vừa tránh được tình trạng đông đúc, tắc đường.
"Chưa kể khi mua sắm như vậy, mọi khoản thanh toán đều được giao dịch online rất nhanh chóng, tránh phiền phức khi phải kiểm đếm tiền mặt, lo tiền rách, tiền giả. Thậm chí còn tránh được cả nguy cơ bị trộm cắp móc túi bởi các chợ hoặc những nơi mua sắm Tết thường rất đông", chị Hà nói thêm.
Được mệnh danh là "nàng dâu order", chị Mai Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết sắm Tết thời 4.0 hiện nay rất đơn giản, ngay cả bánh trái, đồ uống, mâm cỗ Tết hay những món đồ mang đậm vị truyền thống như thịt mỡ, lá dong để gói bánh chưng..., tất cả đều được giải quyết đơn giản chỉ bằng vài cú chạm trên các nền tảng thương mại điện tử và các hội nhóm trên mạng xã hội.
Dù vậy rút kinh nghiệm nhiều năm sắm sửa sát Tết, hàng hóa bị "tắc nghẽn", nên năm nay, một số đồ khô, đồ trang trí... đã được chị Mai Lan đặt trước cả tháng, vừa thong thả mua sắm chọn lựa vừa đỡ lo hàng về chậm, nhỡ việc.
Tiêu Tết thông thái
Cận Tết, ngoài nhu cầu mua sắm tăng cao, nhiều người còn tìm đổi tiền lẻ, tiền mới để đi lễ đầu năm hay lì xì mừng tuổi. Chỉ cần gõ vào thanh công cụ tìm kiếm cụm từ "đổi tiền lẻ", "đổi tiền mới" là hàng loạt các trang mạng, các nhóm trên mạng xã hội hiện ngay trước mắt. Phí đổi tiền đối với từng mệnh giá sẽ khác nhau, thường dao động từ 3-15%. Thậm chí, một số đồng tiền mệnh giá nhỏ hoặc số seri đẹp... phí đổi còn gấp nhiều lần giá trị thực.
Anh Sơn Nam (chủ một tiệm tạp hóa tại Hà Nội) cho biết do tờ tiền 500 đồng có màu đỏ, tâm lý sẽ mang lại may mắn cho ngày đầu năm nên nhiều người có nhu cầu tìm đổi. Tuy nhiên, phí đổi loại tiền này rất "chặt chém", 1 xấp tiền gồm 100 tờ 500 đồng tuy giá trị chỉ là 50.000 đồng nhưng người mua phải bỏ ra có khi là tới 400.000 đồng, gấp đến 8 lần giá trị thật. Và mức phí này sẽ thay đổi liên tục, càng cận Tết sẽ càng đắt, tăng thêm khoảng 1-2%.
Ngoài mức phí ngất ngưởng, đổi tiền trên thị trường "chợ đen" còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mất mát do các trang web đổi tiền mọc lên như nấm sau mưa, không có địa chỉ rõ ràng và thường yêu cầu khách chuyển khoản trước, không ít người đã bị "bùng cọc" khi chưa nhận được tiền mới, tiền lẻ hoặc bị rút ruột, đánh tráo tiền giả vào cọc tiền.
Chưa kể hành vi đổi tiền kiếm chênh lệch còn vi phạm pháp luật có nguy cơ bị xử phạt tới 80 triệu đồng theo Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong khi đó, hàng loạt ứng dụng ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Sacombank, MB..., ví điện tử như Momo, Zalopay... đã cung cấp tính năng lì xì online với giao diện sinh động. Có lẽ sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc thăm hỏi, chúc Tết qua mạng đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Lì xì online vì thế cũng trở thành xu hướng và ngày càng được ưa chuộng.
Ưu thế vượt trội của lì xì online so với lì xì truyền thống nằm ở chỗ người dùng có thể chọn những con số tượng trưng cho sự may mắn như 8888, 6666 hay 686868... để chuyển tặng cho người thân, bạn bè. Điều này với lì xì truyền thống là không thể.
Chưa kể một số ứng dụng còn tích hợp sẵn những lời chúc Tết ý nghĩa, thú vị hoặc người dùng có thể tự tay viết các lời chúc để gửi đến người thân kèm theo các con số tài lộc.
Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ kéo dài cũng là thời điểm mà kẻ gian lợi dụng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng. Những lừa đảo chiêu trò chủ yếu là mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng lừa người dùng nhấn vào đường link giả mạo để cướp quyền sử dụng tài khoản hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng thu các loại phí sản phẩm dịch vụ, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân...
Do đó, các ngân hàng đồng loạt khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không nhấn vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã xác thực một lần (OTP), mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Đồng thời, xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng, công ty viễn thông, tài chính trước khi thực hiện các dịch vụ được giới thiệu. Trong trường hợp nghi ngờ thông tin tài khoản bị đánh cắp hoặc phát sinh giao dịch gian lận, khách hàng cần ngay lập tức liên hệ đường dây nóng hoặc phòng giao dịch ngân hàng gần nhất.