|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tạp hoá truyền thống đã qua thời dễ kiếm tiền?

10:00 | 23/01/2023
Chia sẻ
Cửa hàng tạp hoá truyền thống đứng trước mối lo bị xoá sổ trước sự phát triển ồ ạt của những chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại.

 

Một cửa hàng tạp hoá với chiếc tủ nhỏ nơi thôn quê, góc xóm,… bán đủ thứ từ giấy mực đến gói bánh kẹo xanh đỏ đã từng là niềm ao ước của thế hệ 8x, 9x một thời. Theo thời gian, miền ký ức đó đang dần bị đẩy lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những mô hình bán lẻ theo chuỗi hiện đại, với cửa kính sáng choang, với những nhân viên bán hàng mặc đồng phục cúi gập người xuống chào mỗi khi khách hàng mở cửa bước vào. Những cửa hàng tạp hoá truyền thống liệu có đang hết thời?

Bán lẻ hiện đại đang dần “soán ngôi”

Kinh doanh tạp hoá đã ngót nghét 30 năm, chị Thu Hiền (TP Nam Định) đang có ý định đóng cửa, chuyển sang cung cấp dịch vụ giặt là và bán mỹ phẩm online. “Trước đây khu này chỉ có mình chị bán, nhưng hiện tại thì siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… mọc lên nhan nhản, bước ra ngoài ngõ là thấy. Bán hàng giờ không ăn thua nữa”, chị Hiền chia sẻ.

Chị Hiền cho biết ngày trước nghề kinh doanh tạp hoá khá ổn định. Nhờ cửa hàng này chị đã có thể nuôi hai con ăn học, ra làm nghề. Thế nhưng vài năm trở lại đây, công việc kinh doanh càng lúc càng ế ẩm. Khách ít, lượng hàng hoá nhập về cũng ít theo. Hàng hoá không có nhiều sự lựa chọn cũng khiến khách hàng không muốn bước chân vào mua. Vòng luẩn quẩn này khiến chị Hiền rơi vào bế tắc.

“Mình vốn mỏng, khi không bán được hàng thì tồn kho, không có tiền nhập hàng mới. Trong khi với những cửa hàng hiện đại, hàng hoá của họ đa dạng hơn, cập nhật từng ngày. Mình chỉ cần bán cao hơn một giá so với siêu thị thôi là cũng đủ để khách hàng một đi không quay lại”, chị Hiền kể.

Hiện tại, theo chia sẻ, khách của tiệm tạp hoá này chủ yếu là hàng xóm xung quanh, và cũng chỉ dừng lại ở những sản phẩm là nhu yếu phẩm hàng ngày.

Anh Đức Trung, chủ một cửa hàng tạp hoá lâu năm tại Hà Đông, Hà Nội cũng chung cảnh ngộ. “Mặt bằng tôi thuê chỗ này là 7 triệu một tháng, chưa tính vốn bỏ ra ban đầu cả trăm triệu đồng nhưng giờ bán có ngày chưa nổi 500.000 đồng. Tính ra có tháng phải bù lỗ”, anh Trung kể.

Ngay đối diện cửa hàng của anh Trung là một siêu thị hai tầng với đầy đủ hàng hoá từ thực phẩm tới đồ gia dụng. Trong bán kính 200m, theo quan sát, cửa hàng tạp hoá này cũng bị bao vây bởi những thuơng hiệu bán lẻ tên tuổi như WinMart+, Circle K,…

“Nản muốn nghỉ luôn. Có những ngày không buồn thức dậy mở cửa hàng. Gồng gánh đủ trả tiền thuê mặt bằng và phí dịch vụ, điện nước là mừng lắm rồi”, anh Trung ngán ngẩm.

 

Thực tế, báo cáo Ngành bán lẻ của Chứng khoán Phú Hưng cũng chỉ ra, tại Việt Nam, mặc dù kênh bán lẻ truyền thống chiếm 74%, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 1%, trong khi kênh bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần nhưng đang tăng trưởng hai con số ở mức 11,8%/năm.

Các chuyên gia trong ngành dự đoán, kênh bán lẻ hiện đại sẽ “soán ngôi” kênh bán lẻ truyền thống trong thời gian tới.

Cụ thể, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị…) có thể đạt 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. Hiện, tốc độ tăng trưởng số cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini giai đoạn 2017-2021 tại Việt Nam đang cao nhất Đông Nam Á, khoảng 37,4%.

Không chỉ bị bán lẻ hiện đại o ép, những cửa hàng tạp hoá kinh doanh truyền thống theo kiểu hộ gia đình còn phải chịu sự cạnh tranh trên các nền tảng online.

Báo cáo mới đây của Vietnam Report cho thấy tỷ lệ giới trẻ mua sắm qua các kênh online chiếm tỷ lệ rất cao, khi hoạt động online, trở thành một phần thói quen của người dùng và sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ internet.

Vietnam Report nhận định rằng bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội (social commerce) sẽ bùng nổ. Người tiêu dùng sẽ đọc và xem nhiều hơn các đánh giá, đặc biệt từ các KOLs, những người có ảnh hưởng lớn, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phát triển nhiều hơn các hình thức thuê hoặc tặng sản phẩm cho các reviewer, KOLs, influencers làm video hoặc bài đánh giá, unbox sản phẩm hoặc livestream bán hàng trên kênh mạng xã hội của họ.

Phép thử cho bán lẻ truyền thống

Những câu chuyện trên đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những cửa hàng bán lẻ truyền thống chuyển mình. Các nhà phân tích từ McKinsey & Company cho rằng với sự chuyển đổi “số hóa” ở chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa cũng đã và đang mang đến những cơ hội rất lớn. “Các cửa hàng bán lẻ truyền thống hoàn toàn có thể bắt tay, kết hợp với hệ sinh thái thương mại điện tử để phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng”, các chuyên gia nhận định.

Như vậy, để tồn tại và giữ chân khách hàng, thay đổi là điều không thể chậm trễ. Cửa hàng tạp hoá của chị Thuỷ (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ. Từ khi áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ vào trong bán hàng, việc buôn bán của chị dễ dàng hơn.

 

“Trước kia tôi phải ghi nhớ bằng cách ghi chép, không thuận tiện. Bây giờ tôi sử dụng phần mềm quản lý bán hàng giúp cho việc lưu giữ thông tin khách hàng rất chi tiết mà quản lý hàng tồn kho cũng rõ ràng. Tôi có thời gian quan tâm tới khách hàng hơn như giảm giá vào ngày sinh nhật, tích điểm… Dẫn tới khả năng quay trở lại mua hàng của khách hàng cao hơn”, chị Thuỷ nói.

Ngoài việc kinh doanh trực tiếp, chị Thuỷ cũng tìm hiểu các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook, Zalo,… “Có những tháng như đợt giãn cách xã hội vừa qua, bán hàng online còn mang về doanh thu cao hơn nhiều lần so với bán tại cửa hàng”, chị Thuỷ kể. Chị cho biết trong tương lai còn muốn tìm hiểu và học hỏi nhiều kênh bán hàng khác để tận dụng hết nguồn khách hàng tiềm năng.

Chị Thu (27 tuổi) chủ một cửa hàng tạp hoá tại Hà Nội cho biết từ ngày giảm quy mô diện tích cửa hàng cũng như tập trung đẩy mạnh bán online, giao hàng tận nhà,… tăng trưởng doanh thu đã quay trở lại, không còn èo uột như trước.

“Mình sử dụng một file excel để quản lý. Khi khách đặt hàng qua mạng xã hội, mình chỉ cần gõ tên khách là nó sẽ hiện ra thông tin, địa chỉ, số điện thoại, các lần mua hàng trước. Nhờ đó, mình dễ dàng trò chuyện tư vấn cho khách. Đôi khi khách quý có thể đặt mua thêm”, chị Thu hào hứng kể.

Có thể thấy, với sự phát triển như vũ bão của các trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… những cửa hàng tạp hoá truyền thống dù đã lui vào vị trí khiêm nhường hơn nơi ngõ ngách, nhưng nó vẫn tồn tại âm ỉ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi gia đình Việt. Với sự trợ giúp của công nghệ, tạp hoá truyền thống vẫn đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy chung của ngành bán lẻ Việt Nam.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam". Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam. 

Thiên Trường