|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ cởi trói lĩnh vực khai thác than sau nửa thế kỉ

07:41 | 20/06/2020
Chia sẻ
Ngày 18/6, Ấn Độ đã cho phép khu vực tư nhân đầu tư vào khai thác than sau nửa thế kỉ nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đây là động thái nhằm giúp vực dậy nền kinh tế suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch virus corona.
Ấn Độ cởi trói lĩnh vực khai thác than sau nửa thế kỉ - Ảnh 1.

Một mỏ khai thác than ở Ấn Độ

Thủ tướng Narendra Modi đảm bảo rằng quyết định này sẽ tạo ra đầu tư và việc làm mới, đồng thời giúp đất nước 1,3 tỷ dân, đói khát năng lượng, trở nên tự chủ về năng lượng.

Trong khi Ấn Độ có trữ lượng than lớn thứ tư trên thế giới, thì đây cũng là nước nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới.

"Hôm nay chúng tôi không chỉ triển khai việc khai thác than thương mại, chúng tôi còn giải phóng nó sau hàng thập kỷ trói buộc", ông Modi nói trên truyền hình trong một cuộc bán đấu giá 41 mỏ than. Chính phủ New Delhi cho biết hơn 280.000 việc làm sẽ được tạo ra và khoảng 4,3 tỷ đô la đầu tư được bơm vào nền kinh tế. Các mỏ dự kiến sẽ tăng sản lượng than của Ấn Độ thêm 225 triệu tấn, ông Modi nói thêm.

Nhu cầu than ở Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 748 triệu tấn vào năm 2024, đây sẽ là mức tăng tiêu thụ than nhanh nhất thế giới, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Việc cởi trói cho ngành than được đưa ra vào thời điểm các quốc gia và các công ty năng lượng đang ngày càng quay lưng với nhiên liệu hóa thạch, do sự biến đổi khí hậu ngày càng đáng lo ngại. Thủ tướng Modi cho biết việc khí hóa than sẽ được sử dụng để duy trì các cam kết môi trường của đất nước.

Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch khí hóa khoảng 100 triệu tấn than vào năm 2030. Các nhà môi trường đã bày tỏ lo ngại rằng một số mỏ được đem đấu giá nằm trong khu vực có rừng ở miền trung Ấn Độ, nơi có rất đông cộng đồng bản địa sinh sống.

Bà Kanchi Kohli, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Delhi, cảnh báo rằng các cuộc đấu giá này có thể đe dọa "các khu vực rừng đa dạng sinh học". 

"Thông điệp từ quá trình đấu giá cho thấy chính phủ coi những nơi này chỉ là những khu vực có than nơi các dự án khai thác thương mại sẽ khai thác than vì lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân", bà Kohli nói với nhật báo Hindustan.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona chủng mới và ngừng các hoạt động sản xuất trong những tháng gần đây. Do đó, chính phủ đã cho phép hầu hết các hoạt động kinh tế khởi động lại ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng hằng ngày.


Nh.Thạch

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.