|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Agribank muốn tiếp tục được tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ để tăng trưởng cho vay 10% năm 2025

13:30 | 17/07/2023
Chia sẻ
Mặc dù vừa được chấp thuận chủ trương tăng vốn hơn 17.000 tỷ đồng nhưng ban lãnh đạo Agribank cho rằng số vốn tăng thêm này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng đến năm 2024.

Chia sẻ tạiHội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023 mới đây, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn tiếp tục đề xuất tăng thêm vốn điều lệ cho ngân hàng nhằm đáp ứng đủ vốn để tăng trưởng tín dụng.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ tối đa là 17.100 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank cho biết với số vốn tăng thêm này cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Agribank đến năm 2024.

"Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng", ông Ấn cho hay.

Theo Chủ tịch Agribank, trong thời gian chống chọi với COVID-19, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn, chính sách cấm vận, cạnh tranh chiến lược kéo dài, đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, sức cầu cả trong nước và quốc tế giảm thấp, hàng tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế, thương mại suy giảm nghiêm trọng.

“Vì vậy, mặc dù Agribank đưa rất nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, dù lãi suất cho vay của Agribank đã giảm từ 2-4% tuỳ theo đối tượng khách hàng và Agribank tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp các Chi nhánh trong toàn hệ thống để đánh giá nguyên nhân, tìm ra giải pháp tăng trưởng tín dụng”, ông Ấn nói.

Ông Phạm Đức Ấn -Chủ tịch HĐTV Agribank. (Ảnh: NHNN).

Theo ông Ấn, việc tăng trưởng thấp của Agribank vừa do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp nhưng bên cạnh đó còn do những nguyên nhân cơ bản như: khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay.

Có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay, hoặc là khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh.

Chủ tịch Agribank cho rằng trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước, qua đó ưu tiên quản lý mục tiêu thay cho quản lý hành vi, để ngân hàng thương mại nhà nước chủ động, linh hoạt, có nhiều giải pháp sáng tạo trong đầu tư vào công nghệ, phối hợp với các công ty Fintech để tạo các sản phẩm dịch vụ mới một cách nhanh nhất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Agribank”, ông Ấn nhấn mạnh.

 

 

 

Diệp Bình

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.