Agribank lần đầu nâng lãi suất trong gần 2 năm, cao nhất 4,8%/năm
Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có động thái nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần hai năm. Theo dữ liệu từ WiChart, lần gần nhất mà nhà băng này điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi là cuối tháng 10/2022.
Cụ thể, theo biểu lãi suất mới được công bố, Agribank đã đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng thêm 0,1 điểm %, lên 2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến 5 tháng cũng được tăng thêm 0,1 điểm %, lên 2%/năm.
Các mức lãi suất với kỳ hạn từ 6 tháng đến 18 tháng vẫn được giữ nguyên. Theo đó, lãi suất 6 tháng ở mức 3%/năm, lãi suất 12 tháng là 4,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 18 tháng là 4,7%/năm.
Agribank cũng đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,1 điểm %, lên 4,8%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng quốc doanh áp dụng, ngang bằng với VietinBank.
Với động thái điều chỉnh vừa qua, lãi suất các kỳ hạn ngắn của Agribank cũng đã ngang bằng với hai ông lớn là VietinBank và Vietcombank. Theo cập nhật đến sáng ngày 1/8, Vietcombank vẫn đang giữ nguyên biểu lãi suất cũ với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ 4,6%/năm, thấp nhất trong nhóm Big4.
Kể từ khi chạm đáy vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã bắt đầu tăng trở lại. Riêng trong tháng 7, đã có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, trong đó có một số nhà băng nâng lãi suất nhiều lần. Mức lãi suất trên 6%/năm đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng.
Theo thống kê từ WiChart, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng TMCP lớn đã lên mức 4,8%/năm, tăng khoảng 0,45 điểm % so với mức đáy ghi nhận hồi cuối tháng 3. Lãi suất huy động của nhóm ngân hàng khác (những ngân hàng nhỏ hơn) đã ở mức 5,13%/năm, tăng khoảng 0,61 điểm % so với đáy.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh vẫn được duy trì ở mức 4,68%/năm.
Theo đánh giá của Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động đi lên trong trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp ba lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Tình trạng này khiến các ngân hàng ráo riết nâng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của tiền gửi so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tiếp tục xu hướng tăng mạnh từ giữa 2024 khi sản xuất và đầu tư bứt tốc, MBS kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng TMCP lớn sẽ nhích thêm 0,5 điểm %, về mức 5,2%/năm đến 5,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được kỳ vọng vẫn sẽ đi ngang trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.