|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ADB: Tháo 'nút thắt' nông nghiệp, Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 7%

12:46 | 10/04/2017
Chia sẻ
Nếu tăng trưởng nông nghiệp đạt 5%, tăng trưởng GDP cả nước sẽ trên 7% - chuyên gia ADB nhận định.
adb thao nut that nong nghiep viet nam se tang truong tren 7
Tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Vietnamplus).

Tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2017

Theo dự báo mới nhất vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra tại phiên họp báo sáng nay (10/4), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ ở mức 6,5% trong năm 2017 và đạt 6,7% vào năm 2018.

Đây là đánh giá được cho là lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam chia sẻ, đánh giá này dựa trên tính toán thực tế nhưng điều kiện đảm bảo là Việt Nam thực hiện tốt các chính sách và tận dụng hiệu quả các khả năng để phát triển kinh tế.

Nhận định về những động lực tăng trưởng của Việt Nam, chuyên gia kinh tế từ ADB, ông Aaron Batten cho rằng Việt Nam còn tiềm lực và dư địa để thúc đẩy tăng trưởng này.

Lĩnh vực chế tạo và xây dựng được hưởng lợi từ từ vốn FDI là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thời gian qua. Giải ngân FDI của Việt Nam giải ngân đạt 3,6 tỷ USD trong quý 1, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. "Kể cả khi không còn TPP, Việt Nam vẫn hưởng lời hàng đầu tư FDI. Đặc biệt, Việt Nam thúc đẩy thương mại tự do đa dạng với các bên. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam và giảm áp lực ảnh hưởng trước các biến động", ông Batten cho biết. Chính sách thương mại Mỹ và Brexit cũng sẽ không phải mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Việc Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực cũng sẽ tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng với xu hướng xuất khẩu tăng mạnh. Nổi bật là lĩnh vực công nghệ với thành tích xuất khẩu tăng từ 2% từ năm 2009 lên 12% như hiện tại. Việt Nam đang là nước có thành tích xuất khẩu tốt nhất trong khu vực. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,3% trong năm 2016. Cũng trong năm qua, khu vực sản xuất tăng 12%, số việc làm trong lĩnh vực này tăng 8,7% (tăng gấp đôi kể từ năm 2009) và theo ADB dự báo đến năm 2018 sẽ tiếp tục tăng.

Nổi bật trong thời gian gần đây khi Việt Nam đã có trên 33 triệu người có mức thu nhập trung bình cao hơn 8.500 USD mỗi năm. Đây là mức tăng tầng lớp trung lưu cao nhất trong khu vực. Khi đó, tiêu dùng sẽ tăng. Con số tăng trưởng 8,9% trong khu vực bán buôn bán lẻ năm 2016 cũng chứng minh điều này. "Đây là động lực tăng trưởng mới khi thương mại bán buôn bán lẻ của Việt Nam đứng hàng thứ hai trong đóng góp GDP cả nước", ông Batten nhận xét.

Nông nghiệp tăng trưởng lên 5%, GDP cả nước sẽ trên 7%

Tăng trưởng Việt Nam đang ổn định nhưng theo ADB, vẫn còn ở dưới mức cần thiết để Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam đang bùng nổ, tuy nhiên tăng trưởng giai đoạn vừa qua vẫn chỉ quanh mức 7% và xu hướng giảm xuống chỉ đạt trên 6%. Tiếp tục đà tăng trường này, ADB cho rằng mục tiêu tăng thu nhập trung bình cao sẽ lùi lại tới năm 2031. Tuy nhiên, nghiên cứu của ngân hàng này chỉ ra rằng, chỉ cần tăng trưởng thêm 2% mỗi năm, mục tiêu này sẽ rút ngắn và sớm hoàn thành trong năm 2026.

Tác nhân kéo lùi tăng trưởng của Việt Nam nhưng năm qua là khu vực nông nghiệp khi chỉ đạt tăng trưởng 2,4% trong quý I. "Nếu tăng trưởng nông nghiệp đạt 5%, tăng trưởng GDP cả nước sẽ trên 7%", ông Batten nhận định.

Bên cạnh đó, năng suất lao động trong lĩnh vực này cũng là vấn đề then chốt. Năng suất trên lao động nông nghiệp Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/3 tại Indonexia và bằng 1/2 Thái Lan.

ADB chỉ ra xu hướng xấu khi khu vực nông nghiệp của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên như đất, nước, phân bón hơn là phương thương thức sản xuất hiệu quả.

Theo đó, tổ chức này đưa ra khuyến nghị trước mắt cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện chuỗi cung ứng kém hiệu quả hiện nay. Cùng với đó là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tạo cơ hội cho các giống cây trồng khác ngoài lúa gạo phát triển. Chính phủ cần nỗ lực cải thiện, ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép các quyết sách phù hợp.

ADB nhấn mạnh tới việc cần năng cạnh tranh cho nông nghiệp sẽ giúp người nông dân đạt thu nhập cao hơn. Người nông dân là nền tảng của lĩnh vực này nhưng hưởng lợi từ các sản phẩm nông nghiệp lại là các khâu sau của chuối cung ứng như nhà cung cấp máy móc, thuốc trừ sâu, chế biến nông nghiệp và xuất khẩu.

Ngoài ra, ADB cũng đưa ra một số dự báo về các chỉ số vĩ mô khác. Lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dự báo, CPI sẽ tăng 4% trong năm 2017 và 5% trong năm 2018. Cũng trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới như nông sản và dầu sẽ tăng, ADB cho rằng sẽ không gây ra một cú sốc nào cho tăng trưởng Việt Nam trong thời gian tới.

"Tài khoản vãng lai tăng, đồng tiền Việt Nam ổn định, hưởng lợi từ kiều hối, dự trữ ngoại hối tăng cũng là những điều kiện để Việt Nam tăng khả năng chống chịu với các cú sốc tư bên ngoài", ông Aaron Batten nhận định.

Thái Hoàng