|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ACBS: Kinh tế 2023 có thể tăng 6,4% nếu NHNN không tăng lãi suất điều hành và tăng trưởng tín dụng 12-14%

09:48 | 18/01/2023
Chia sẻ
ACBS dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 5,9 - 6,4% trong năm 2023.

Chứng khoán ACB (ACBS) vừa đưa ra dự báo hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.

Cụ thể, ở kịch bản tích cực, với giả thuyết tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ không thu hẹp trong 6 tháng đầu năm 2023 và bắt đầu hồi phục trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, khu vực dịch vụ phục hồi hoàn toàn với sự hỗ trợ của các hoạt giao thông vận tải vận hành bình thường và hoạt động du lịch quốc tế bùng nổ.

ACBS cũng giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng xung quanh mức 12-14% trong năm 2023, CPI sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ (mục tiêu 4,5%) và không có đợt tăng lãi suất điều hành nào từ NHNN trong năm 2023.

Với những giả định trên, khối phân tích dự báo kinh tế tăng trưởng đạt mức cao nhất 6,4%.

 Kịch bản lạc quan. (Nguồn: ACBS).

Kịch bản thứ hai với giả thuyết kém lạc quan hơn, giả định tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục chậm lại và thậm chí giảm nhẹ trong 6 tháng đầu 2023 và cũng bắt đầu hồi phục trong 6 tháng cuối năm nhưng tốc độ hồi phục chậm do nhu cầu suy giảm từ các đối tác thương mại lớn.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ vẫn phục hồi nhưng không mạnh bằng kịch bản lạc quan. ACBS cũng giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tín dụng khoảng 10- 12% trong năm 2023, CPI có thể bật tăng và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ (vượt mức mục tiêu 4,5%) và NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 0,5% trong năm 2023.

Trong kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt cao nhất 5,9%. 

   Kịch bản kém lạc quan hơn. (Nguồn: ACBS). 

Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD.

Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. 

Gần đây, một số tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo tăng trưởng cho Việt Nam như HSBC dự báo ở mức  5,8%; World Bank nhận định Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải ở mức 6,3% do hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chính chậm lại. Trong khi đó, Standard Chartered đánh giá kinh tế có thể tăng đến 7,2%.

Các tổ chức cũng khuyến cáo với Việt Nam cần thận trọng trước những rủi ro từ bên ngoài. HSBC cho rằng 2023 sẽ là một năm thách thức. Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng là những khó khăn trong thương mại đang gia tăng, khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo sẽ chậm lại.

World Bank cũng cảnh báo triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới sẽ đặc biệt khó khăn đối với các nước đang phát triển và thị trường mới nổi.

"Thị trường nội địa cần tiếp tục thận trọng với rủi ro lạm phát tăng cao, có thể vượt ngưỡng 4 - 4,5% do độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và dự báo lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam vẫn ở mức cao. Thực ra con số lạm phát này không quá lớn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Việt Nam cần phải thận trọng cân đối giữ thúc đẩy tăng trưởng với kiểm soát lạm phát", bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá.  

Anh Đào