6 tháng, EVN xuất khẩu khoảng 0,7 tỷ kWh
Công nhân của EVN Hà Nội kiểm tra vận hành điện. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 6 tháng đầu năm nay, EVN đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân với lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 95,7 tỷ kWh, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thương phẩm toàn Tập đoàn cũng đạt 84,1 tỷ kWh, bằng 47,3% kế hoạch năm và tăng 10,05% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện xuất khẩu khoảng 0,7 tỷ kWh.
Đánh giá của Tập đoàn này cho thấy, việc điều hành cung ứng điện đã bám sát nhu cầu nhu cầu điện cả nước và tại các khu vực, đảm bảo huy động các loại nguồn điện phù hợp với tình hình thuỷ văn, khả năng cấp khí.
Đặc biệt, EVN đã phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi tiến hành 3 đợt xả nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017 tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đến nay, tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc là 43.010 MW; trong đó các nguồn điện do EVN quản lý chiếm 61,5%.
Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm , đặc biệt đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong các tháng còn lại, EVN tiếp tục đảm bảo cung cấp điện với mục tiêu tăng trưởng 11,5% hoặc cao hơn.
Tuy nhiên việc đáp ứng tốc độ tăng trưởng này phụ thuộc vào nhu cầu của phụ tải. Theo đó, điện sản xuất và mua ngoài cả năm 2017 ước đạt 196,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với năm 2016. Điện thương phẩm năm 2017 ước đạt 177,8 tỷ kWh, tăng 11,3% so với năm trước.
Để đảm bảo mục tiêu này, Tập đoàn huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống, đặc biệt là Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 3; trong đó tăng huy động các nhiệt điện khí, nhiệt điện than sử dụng than trong nước để chủ động tích nước phục vụ cung ứng điện mùa khô năm 2018.
Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa lượng điện sản xuất trong nước và nhập khẩu, giảm sản lượng nhập khẩu Trung Quốc để tăng sản lượng của các nhà máy điện trong nước. Đảm bảo sản lượng điện xuất khẩu theo cam kết với các nước bạn, xem xét khả năng tăng sản lượng bán cho Campuchia.
Bên cạnh đó, vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, nhất là hệ thống 500 kV Bắc-Nam. Cùng với việc đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp điện mới, phát triển khách hàng để tăng doanh thu và khai thác hiệu quả hạ tầng điện, EVN cũng triển khai nghiêm túc Qui định cung cấp dịch vụ điện mới được ban hành tại Quyết định số 505/QĐ-EVN ngày 15/5/2017 và các Qui trình kinh doanh nội bộ mới nhằm giảm thời gian tiếp cận điện năng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Mặt khác, xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin viễn thông, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xử lý sự cố mất an toàn thông tin.
Ngoài ra, EVN còn đang tập trung thực hiện các giải pháp để giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017. Theo đó, v ới việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện theo Quyết định số 669/QĐ-BCT ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính và cập nhật các thông số đầu vào như: giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, tỷ giá so với các thông số đã tính toán kế hoạch đầu năm, tổng chi phí sản xuất kinh doanh trong năm sẽ tăng thêm khoảng 7.230 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN sẽ phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 7,47%, giảm thêm 0,13% so với kế hoạch. Theo tính toán việc giảm tổn thất điện năng so với kế hoạch đầu năm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ giảm được chi phí mua điện là 363 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, EVN sẽ vận hành tối ưu hệ thống điện; trong đó tăng sản lượng huy động thủy điện, giảm sản lượng huy động nguồn nhiệt điện than so với kế hoạch đầu năm và không huy động nhiệt điện dầu làm chi phí mua điện giảm khoảng 2.170 tỷ đồng.
Đầu năm 2017, Tập đoàn đã giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện tiết kiệm 5% chi phí tương đương 844 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị thực hiện tiết kiệm lên 7,5% chi phí định mức.
Tổng cộng tiết kiệm 1.266 tỷ đồng, cao hơn 422 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm 2017. Mặt khác, EVN tiếp tục thực hiện tiết kiệm 12% các chi phí hội nghị, tiếp khách, khánh tiết xăng xe, điện nước, Văn phòng phẩm, kinh phí nghiên cứu khảo sát nước ngoài… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với con số dự kiến tiết kiệm khoảng 35 tỷ đồng.
Như vậy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện sau khi thực hiện các giải pháp trên dự kiến giảm 2.990 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/