6 lời khuyên tài chính lành mạnh cho năm 2022 giàu có
Nếu bạn đang muốn cải thiện tình hình tài chính của mình nhưng không chắc nên bắt đầu từ đâu thì hãy xem xét các mẹo quản lý tiền và sức khỏe tài chính sau đây cho năm 2022. Chắc chắn rằng bạn sẽ tự tin hơn về tài chính cá nhân của mình và thực sự có một năm mới sung túc hơn năm cũ.
1. Thiết lập hoặc đánh giá lại các mục tiêu tài chính
Đánh giá, xây dựng các mục tiêu tài chính không chỉ là giúp bạn nhìn nhận chính xác về các thói quen chi tiêu, quản lý tiền bạc của mình và đưa chúng vào khuôn khổ mà còn tạo sức mạnh thúc đẩy bạn xây dựng thói quen tài chính lành mạnh. Do đó, nếu bạn chưa hoàn thành việc tạo hoặc xem xét các mục tiêu tài chính của mình thì hiện tại là thời điểm hoàn hảo.
Trước tiên, hãy nghĩ về những gì bạn muốn đạt được - trả hết nợ thẻ tín dụng, tiết kiệm để mua nhà, xe hơi, đi du lịch hoặc chi trả cho việc học hành của các con, chuẩn bị để nghỉ hưu sớm… Mục tiêu tài chính có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn nhưng hãy nghĩ tới sớm nhất có thể. Sau đó, việc bạn cần làm là viết các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên và ấn định thời gian biểu. Không chỉ vậy, bạn cũng cần tạo chiến lược để đạt được từng mục tiêu, chẳng hạn như tự động gửi tiết kiệm hàng tháng.
Bên cạnh đó, khi bạn đã có các mục tiêu, bạn hãy thường xuyên kiểm tra tiến độ của mình và đánh giá lại khi cần thiết để đảm bảo chúng vẫn phù hợp với các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
2. Đánh giá các tài khoản quản lý tiền bạc, chi tiêu
Lần cuối cùng bạn so sánh tài khoản chi tiêu và tài khoản tiết kiệm, các khoản vay và nợ thẻ tín dụng là khi nào? Hãy dành chút thời gian để đánh giá từng tài khoản và mức độ cần thiết cũng như hiệu quả.
Thông thường, tài khoản cá nhân (tài khoản ngân hàng và tiền mặt) là công cụ tài chính mà bạn sử dụng thường xuyên nhất để chi tiêu hàng ngày và các hoạt động tài chính khác như thanh toán hóa đơn hàng tháng.
Tài khoản tiết kiệm thì có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính như thành lập quỹ khẩn cấp, tiết kiệm cho một khoản mua sắm lớn hoặc tích lũy để giàu có trong tương lai. Các khoản đầu tư thì cho thấy cách bạn kiếm tiền có hiệu quả không còn thẻ tín dụng – một công cụ thanh toán hữu ích nhưng dễ khiến bạn phạm sai lầm do mắc nợ quá nhiều, trả chậm,…
Hãy xem xét lại tất cả cách thức các tài khoản bạn có đang hoạt động như thế nào, tìm ra những điểm đã làm tốt và chưa tốt để sau đó điều chỉnh kịp thời.
3. Xem xét, quản lý ngân sách
Lập ngân sách cung cấp các nguyên tắc và sự minh bạch về chi tiêu của bạn. Ngân sách theo dõi các chi phí hàng tháng (chi phí sinh hoạt thiết yếu), các khoản đầu tư trong tương lai (tiết kiệm, giáo dục, mua nhà, hưu trí,…) và chi tiêu tùy ý. Nếu bạn chưa từng quản lý ngân sách, thì đây là thời điểm thích hợp để tạo một ngân sách như vậy nhằm đảm bảo ổn định tài chính trong năm mới.
Khi bạn đã có một kế hoạch ngân sách được thiết lập, hãy kiên trì sử dụng nó. Ngoài ra, hãy để ý các cơ hội cắt giảm chi tiêu để củng cố tài chính của bạn.
4. Đừng chậm thanh toán cho các hóa đơn hàng tháng
Thanh toán hóa đơn đúng hạn đảm bảo "sức khỏe tài chính" của bạn. Nó giúp bạn tránh các khoản phí trễ hạn, ảnh hưởng đến điểm tín dụng hay đơn giản là khiến bạn tốn thời gian để giải quyết sự chậm trễ. Để dễ theo dõi các hóa đơn hàng tháng, bạn có thể chuyển sang những công cụ ngân hàng trực tuyến, ví điện tử để thanh toán hóa đơn trực tuyến có chức năng nhắc nhở. Đôi khi bạn còn có thể nhận được những khoản chiết khấu đáng kể nữa đấy.
5. Quan tâm tới điểm tín dụng
Điểm tín dụng của một người thường được xem như một chỉ số quan trọng về sức khỏe tài chính của họ. Khi những đơn vị cho vay như ngân hàng xem xét mức độ tín nhiệm của bạn, họ sẽ đánh giá báo cáo tín dụng của bạn, trong đó nêu chi tiết lịch sử hoạt động tài chính.
Điểm tín dụng của bạn càng cao, tín dụng của bạn càng được coi là tích cực và do đó dễ vay mượn, sử dụng các dịch vụ tài chính của ngân hàng.
6. Giữ an toàn cho các tài liệu tài chính quan trọng
Giữ cho các tài liệu và thông tin tài chính quan trọng của bạn luôn được cập nhật, có tổ chức và an toàn sẽ giúp bạn chủ động hơn trong trường hợp khẩn cấp. Bạn không bao giờ biết khi nào mình có thể cần truy cập ngay vào số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, khoản vay hoặc đầu tư, cũng như thông tin liên hệ của các chủ nợ.