|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

6 cổ phiếu lên UPCoM

14:36 | 21/11/2017
Chia sẻ
Trong 6 mã cổ phiếu lên sàn UPCoM, IDICO và Sonadezi là hai cái tên được các nhà đầu tư quan tâm nhất.
6 co phieu len upcom
Tuần mới chào đón 6 mã cổ phiếu trên sàn UpCOM.

Tuần từ 13/11 - 17/11 ghi nhận VN-Index tiếp tục tăng điểm và chinh phục thêm đỉnh giá mới. Trong đó, có 7 cổ phiếu được đưa lên sàn.

Trên sàn HNX, 3 mã cổ phiếu giao dịch lần đầu gồm có: hơn 9,3 triệu cổ phiếu BTW của Cấp nước Bến Thành; 10,9 triệu cổ phiếu NBW của Cấp nước Nhà Bè và 20 triệu cổ phiếu DTD của CTCP Đầu tư và Phát triển Thành Đạt. Trên thị trường UPCoM, 4 mã cổ phiếu được đăng ký giao dịch là WTN, HLE, VPW, PCC.

Trong tuần này từ 20 đến 24/11, có 6 cổ phiếu mới được đưa lên giao dịch trên thị trường UPCoM.

Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp (Mã: SNZ).

Ngày 20/11, hơn 376,5 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp được đưa lên giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.900 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 30/12/2015, SNZ chính thức IPO hơn 131 triệu cổ phần. Tuy nhiên chỉ khoảng 1,3 triệu cổ phần được mua với mức giá bình quân là 10.508 đồng/cổ phiếu.

Theo bản công bố thông tin, Sonadezi thành lập từ năm 1990, tiền thân là Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa với ngành nghề kinh doanh ban đầu là phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai.

Hiện tại, SNZ có vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng, sở hữu 10 công ty con và 11 công ty liên kết. Trong đó, tỷ lệ góp vốn tại CTCP cấp nước Đồng Nai là 63,99%; CTCP Môi trường Sonadezi (64,04%), CTCP Sonadezi Long Thành (51,19%); CTCP Sonadezi Châu Đức (46,84%).

Sonadezi hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, kinh doanh nước và vật liệu xây dựng. Được biết, công ty đã phát triển 11 khu công nghiệp (KCN) thuộc tỉnh Đồng Nai và đang tiếp tục xây dựng KCN lớn nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, SNZ còn hợp tác đầu tư xây dựng một số công trình như: Dự án cải tạo, nâng cấp QL 91 (Cần Thơ), Dự án đường 319 nối dài, giao lộ đường 319 nối đường cao tốc TP HCM – Long Thành - Dầu Giây (BOT), Dự án mở rộng cảng Đồng Nai...

Tại thời điểm 30/6, doanh thu thuần của SNZ đạt 1.662 tỷ đồng, lãi ròng 246 tỷ đồng. Các khoản tiền, tương đương tiền vượt mức 1.900 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,45 lần.

CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng dầu (Mã: PLA).

Cùng ngày 20/11, hơn 10 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu được đưa lên giao dịch lần đầu tại UPCoM. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.500 đồng/ cổ phiếu.

Ngày 5/9/2005, Công ty cổ phần Bất động sản Petrolimex (nay là CTCO Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng xăng dầu), được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex, Công ty cổ phần Xây lắp I Petrolimex. Tháng 3/2010, công ty hoàn thành việc phát hàng cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng. Năm 2014, ĐHCĐ thường niên 2014 thông qua giảm vốn điều lệ xuống 100 tỷ đồng do buộc phải thoái vốn đầu tư vào bất động sản.

Cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nắm giữ 51 tỷ cổ phiếu, tương đương 51% vốn điều lệ. CTCP Bất động sản Petrolimex (Pland), được thành lập từ năm 2005, với mục tiêu chính là kinh doanh bất động sản, kinh doanh các công trình hạ tầng xăng dầu. Cổ đông lớn gồm có Petrolimex (51%), Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (9,8%), Pjico (5%), Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (5%) và một số cổ đông khác.

Được biết, liên tiếp trong hai năm 2015 và 2016, PLA đều ghi nhận khoả lỗ lần lượt là 33,6 tỷ và 451 triệu đồng.

Cùng đưa cổ phiếu lên UPCoM vào ngày 20/11, còn có 8,6 triệu cổ phiếu của CTCP Điện lực Dầu khí Bắc Kạn (Mã: PBK) với mức giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Mã: IDC).

Ngày 24/11, hơn 55,3 triệu cổ phiếu IDC của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 23.940 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, IDCđấu giá hơn 55,3 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm 18.000 đồng/cp. Tổng cộng có 656 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá.

Theo đề án cổ phần hoá, IDICO có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Theo như lộ trình cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ tương ứng 108 triệu cổ phiếu; bán đấu giá công khai hơn 55,3 triệu cổ phần (18,44%); bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 1,69 triệu cổ phần (0,56%); bán 135 triệu cổ phiếu (45%) cho nhà đầu tư chiến lược.

Hai trong 3 nhà đầu tư được lựa chọn làm cổ đông chiến lược của IDICO là Công ty cổ phần SSG và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.a IDICO đang lên phương án chào bán 45 triệu cổ phiếu này.

CTCP Tô Châu (Mã: TCJ).

Cũng vào ngày 24/11, Tô Châu sẽ đưa 10 triệu cổ phiếu lên giao dịch lần đầu trên UPCoM với mức giá tham chiếu 2.800 đồng/cp.

Công ty cổ phần Tô Châu thành lập vào ngày 10/8/2005 từ việc góp vốn của 3 thành viên sáng lập (Công ty XNK Lương thực Vật tư Nông nghiệp Đồng Tháp, Công ty TNHH Bình Tây, ông Trần Văn Hùng) với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Hiện tại, vốn điều lệ của CTCP Tô Châu là 100 tỷ đồng, theo danh sách chốt ngày 17/4/2017. Trong đó, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam nắm giữ hơn 6,54 triệu cổ phiếu, chiếm 65,4% vốn điều lệ.

Sản phẩm thuỷ sản chủ đạo là cá tra fillet. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là nuôi, chế biến sản phẩm thuỷ sản… chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Châu Á.

CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex) – Một thành viên của GTN Foods.

Cùng ngày 24/11, CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Mã: FRM) sẽ đưa 11,7 triệu cổ phiếu giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu 10.200 đồng/cổ phiếu. Trong đó, hơn 4,16 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, gồm cổ phần người lao động mua theo cam kết làm việc và cổ phần của nhà đầu tư chiến lược GTN Foods.

Hiện tại, Công ty Cổ phần GTN Foods nắm giữ 4,1 triệu cổ phần, tương đương 35,04% vốn điều lệ. Công ty Nông nghiệp Sài Gòn nắm giữ 26,1% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Thị Mai Lan và Trịnh Thị Hương nắm giữ lần lượt hơn 16% và 18% vốn.

Forimex là một công ty lâu đời hoạt động trong lĩnh vực: trồng rừng, chế biến gỗ, chăn nuôi cá sấu và kinh doanh, dịch vụ khác. Là đơn vị sản xuất, xuất khẩu và là nhà buôn sỉ cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đây cũng là công ty chuyên về chăn nuôi và kinh doanh cá sấu, thịt cá sấu, sản xuất kinh doanh sản phẩm da cá sấu và các loại da khác, thi công xây dựng chuồng trại, mua bán cá sấu giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cá sấu theo quy trình chăn nuôi của tổ chức Cites.

Quỳnh Trang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.