5 ủy viên T.Ư đương nhiệm bị kỷ luật là ai?
Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 9 chiều nay, 26.12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý đã bị thi hành kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành T.Ư.
Dưới đây là 5 trường hợp ủy viên T.Ư đương nhiệm bị kỷ luật trong 3 năm qua mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc tới:
Ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Ngày 6.10.2017, tại Hội nghị T.Ư 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng quyết định cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Nguyễn Xuân Anh, đồng thời cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá XII của ông này.
Theo Ban Chấp hành T.Ư, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy; cá nhân ông Xuân Anh đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh được nhận định là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh S.X |
Ông Nguyễn Xuân Anh (42 tuổi), quê ở Đà Nẵng. Ngày 16.10.2015, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng khóa XXI đã bầu ông Nguyễn Xuân Anh giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Khi đó, ông Nguyễn Xuân Anh đang là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư khóa XI.
Ngày 26.1.2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Đinh La Thăng, cựu Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư
Ngày 7.5.2017, tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 5, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng khi đó đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII, với tỷ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.
Ngày 10.5.2017, ông Thăng được Bộ Chính trị phân công giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư.
Ngày 8.12.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh Ngọc Thắng |
Cũng trong ngày 8.12.2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường, thông qua nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Tới 9.5.2018, tại Hội nghị T.Ư 7, T.Ư đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Ông Đinh La Thăng (58 tuổi), quê quán tại Nam Định, là Ủy viên T.Ư Đảng khoá X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.
Ông Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông
Ngày 12.7, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin - Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021, do những sai phạm của ông Tuấn trong vụ việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Ông Trương Minh Tuấn. Ảnh Ngọc Thắng |
Ngày 18.7, Thủ tướng đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn do có vi phạm, khuyết điểm. Tới 23.7, ông Tuấn bị đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; ngày 27.7, ông Tuấn được điều động về làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.
Ông Trương Minh Tuấn (58 tuổi), sinh tại Đồng Hới, Quảng Bình. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Tuấn được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, sau đó được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.
Ông Trần Quốc Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk
Ngày 12.4.2018, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Quốc Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, bằng hình thức cảnh cáo do những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục 5 (Bộ Công an).
Ông Trần Quốc Cường. Ảnh Chinhphu.vn |
Theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, việc ông Trần Quốc Cường đã ký giấy uỷ quyền, bản cam kết cho Công ty Việt Thái được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân cho dự án nhà ở Đại Kim là không đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục B41, vi phạm các quy định của luật Nhà ở và Nghị định số 71/NĐ-CP, ngày 23.6.2010 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện luật Nhà ở.
Việc uỷ quyền không đúng pháp luật đã tạo sơ hở để Nguyễn Vũ Hùng là cán bộ cấp dưới trực tiếp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ông Cường còn ký duyệt chi không đúng mục đích số tiền đóng góp mua nhà của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Ông Trần Quốc Cường sinh năm 1969, quê quán Nam Định. Ông Cường được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tháng 1.2016.
Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM
Ông Tất Thành Cang. Ảnh Ngọc Dương |
Mới đây nhất, ngày 26.12, tại Hội nghị T.Ư 9 khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, bằng hình thức cách chức Ủy viên T.Ư Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Ông Tất Thành Cang (47 tuổi), sinh tại Long An. Ông Cang từng là Bí thư Thành đoàn TP.HCM từ năm 2004 - 2009. Từ tháng 1.2011, ông Cang được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư khóa XI; tới tháng 1.2016, được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư khóa XII.