5 tỉnh chênh lệch giàu nghèo lớn nhất, người giàu thu nhập gấp hơn 10 lần người nghèo
Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân/ người/ tháng trong năm 2020 là khoảng 4,2 triệu đồng, trong đó thu nhập bình quân tháng ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng).
Khảo sát chỉ ra nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất-nhóm 5) có thu nhập bình quân/ người/ tháng đạt 9,1 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất-nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng.
Đặc biệt, khảo sát cho thấy 5 địa phương có chênh lệch giàu nghèo lớn nhất, ở đó thu nhập của người giàu gấp 10-12 lần người nghèo.
Cao Bằng là địa phương có chênh lệch thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất và thu nhập thấp nhất lớn nhất cả nước. Thu nhập bình quân của nhóm 5 tại Cao Bằng là trên 5,9 triệu đồng/người/tháng, gấp tới 12,6 lần nhóm 1 (thu nhập bình quân chỉ 473.000 đồng/người/tháng).
Các địa phương khác cũng ghi nhận mức chênh lệch lớn này là Sơn La (gấp khoảng 10,6 lần), Quảng Trị, Yên Bái và Quảng Bình (hơn 10 lần).
Trái ngược lại, TP HCM là nơi có sự chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm thấp nhất cả nước, theo đó, thu nhập bình quân của nhóm 5 là trên 11,8 triệu đồng/tháng, gấp 3,48 lần so với nhóm 1 (3,4 triệu đồng/tháng).
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là nơi có tình trạng chênh lệch lớn nhất với tỷ lệ chênh lệch là 9,56 lần. Vùng Đồng bằng sông Hồng có mức chênh lệch thấp nhất với 5,36 lần.
Chênh lệch thu nhập ở vùng nông thôn cũng cao hơn so với thành thị. Cụ thể, ở nông thôn, nhóm người thu nhập cao nhất (7,4 triệu đồng/tháng) có thu nhập gấp gần 8 lần nhóm người thu nhập thấp nhất (932.000 đồng/tháng). Mức chênh lệch này ở khu vực thành thị là 5,44 lần (11,4 triệu đồng/tháng đối với nhóm 5 và 2,1 triệu đồng/tháng đối với nhóm 1).
Khảo sát cũng chỉ ra vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6 triệu đồng/ người/ tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng/ người/ tháng).
Tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Bình Dương với 7 triệu đồng/tháng, gấp 5 lần các địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước là Sơn La và Điện Biên với mức 1,7 triệu đồng/tháng.