|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 dự án đường vành đai và cao tốc dài hơn 500 km sẽ được triển khai từ nay đến 2026

21:28 | 01/03/2022
Chia sẻ
5 dự án giao thông trọng điểm gồm đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP HCM, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến 2026.

Sáng 1/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương, nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm.

Các dự án có tổng chiều dài hơn 500 km, gồm đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP HCM, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này.

Mục tiêu hoàn thành hai vành đai và ba cao tốc này đến 2026 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. (Ảnh: VGP).

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương về 5 dự án này. Đây đều là những tuyến đường quan trọng, huyết mạch, việc triển khai xây dựng liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều tỉnh, thành phố và nhiều người dân.

Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện mục tiêu đã đề ra, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn vốn, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.

"Chính phủ phải quyết tâm rất cao, các địa phương phải quyết tâm rất cao và các bộ, ngành cũng phải quyết tâm rất cao. Bởi trong 20 năm qua, chúng ta mới hoàn thành được khoảng 1.000 km cao tốc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý, cần rút kinh nghiệm từ các dự án đã triển khai, khẩn trương sơ kết, tổng kết từ thực tiễn, áp dụng, nhân rộng các bài học hay, kinh nghiệm quý, mô hình tốt, cách làm hiệu quả; khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập tại một số dự án cao tốc, dự án đầu tư công đã triển khai như manh mún, dàn trải, kéo dài, tình trạng chia nhỏ gói thầu với quá nhiều nhà thầu, vấn đề mỏ vật liệu cho các dự án cao tốc…

Trung ương bố trí 50%, địa phương bố trí 50% vốn

Thủ tướng nêu rõ, về nguyên tắc, Trung ương bố trí 50%, địa phương cân đối 50% nguồn vốn cho các dự này, gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn vốn khác. Việc bố trí vốn phải linh hoạt, sát tình hình, tiến độ và bảo đảm đủ để hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục kế thừa các chính sách đã được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép; tiếp tục rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề còn vướng mắc.

Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư, với dự án PPP thì giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng công trình, dự án.

Lãnh đạo Chính phủ một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.

Vành đai 4 Hà Nội sẽ có hai cầu vượt sông Hồng và một cầu vượt sông Đuống

Báo cáo của Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Mục tiêu hoàn thành hai vành đai và ba cao tốc này đến 2026 - Ảnh 2.

Sơ đồ dự kiến hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Đồ họa: Alex Chu).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km.

Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tuyến đường sẽ có ba cầu vượt vượt sông, gồm hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà (dài 5.023 m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674 m); một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990 m).

Vành đai 3 TP HCM mới hoàn thành 15 km

Vành đai 3 TP HCM chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức.

Dù đã được quy hoạch từ lâu nhưng vành đai 3 hiện mới làm được một đoạn hơn 15 km đoạn từ Tân Vạn đến Bình Chuẩn tại Bình Dương.

Mục tiêu hoàn thành hai vành đai và ba cao tốc này đến 2026 - Ảnh 3.

Vành đai 3 mới hoàn thành một đoạn là Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương). (Ảnh: Zing).

Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn 1 dự án dài hơn 76 km, thực hiện 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu hai làn xe. Cũng ở giai đoạn 1, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe.

Sắp báo cáo Quốc hội ba dự án cao tốc

Bộ Giao thông vận tải cho biết đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ba dự án quan trọng quốc gia là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ba dự án cao tốc này đang được gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 118 km, ưu tiên đầu tư bằng vốn đầu tư công với vốn dự kiến khoảng 21.935 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị 15.677 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 2.300 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 1.097 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.861 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7 km, nối tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa với điểm giao quốc lộ 56 tại TP Bà Rịa. Tổng mức đầu tự án là 19.616 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 52.363 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức PPP, thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2027.

Huy Hoàng