4 'bom tấn' có thể lên sàn chứng khoán trong năm 2017
Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức có sự góp mặt của các Tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước lớn Sabeco, Habeco, ACV, Seaprodex...
Và ngay trong tuần đầu tiên của năm 2017, thị trường tiếp tục tiếp nhận thêm Vietnam Airlines một doanh nghiệp lớn lên sàn giao dịch trên sàn Upcom. Hay VietJet Air, một hãng hàng không khác cũng sẽ niêm yết lên sàn HOSE vào cuối tháng 02 tới đây.
Nhiều dự báo, làn sóng cổ phiếu lớn lên sàn sẽ tiếp tục tiếp diễn với quy mô lớn hơn trong năm 2017 với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp nhà nước khác dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
"Đại gia" xăng dầu Petrolimex
Nổi bật nhất trong số những cái tên chuẩn bị lên sàn hiện nay có lẽ là cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam với thị phần lên đến 50%.
Theo thông tin mới nhất, Chủ tịch tập đoàn Petrolimex ông Bùi Ngọc Bảo cho biết nếu đủ điều kiện, PLX sẽ lên sàn trong quý I/2017 và dự kiến niêm yết thẳng trên HOSE.
Được biết, Petrolimex đã IPO vào năm 2011, thời điểm đó 100% cổ phần chào bán đã được bán hết với mức giá đấu thành công bình quân đạt 15.032 đồng/cp (cao hơn giá khởi điểm 15.000 đồng/cp). Cuối năm 2014, Petrolimex hợp tác chiến lược với đối tác Nhật Bản JX Nippon Oil and Energy, một công ty cùng ngành đang chiếm 50% thị phần tại thị trường Nhật Bản và đến tháng 5/2016, tập đoàn JX Nippon Oil & Energy đã chính thức là cổ đông của Petrolimex sở hữu 8% cổ phần tại giá 39.017 đồng/cp.
Petrolimex hiện có vốn điều lệ 12.938 tỷ đồng. Tính đến 30/9, tổng tài sản Petrolimex vượt 50.400 tỷ đồng. Năm 2015, PLX chia cổ tức 15%. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế ước tính của Tập đoàn đạt gần 6.200 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là Công ty Mẹ với 66 công ty con, 3 công ty liên doanh liên kết với nhiều mô hình tổ chức hoạt động khác nhau, hoạt động trên khắp 63 tỉnh, thành trên toàn quốc và tại một số nước trong khu vực.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện có hệ thống phân phối gần 5.200 điểm bán trên khắp cả nước, trong đó có khoảng 2.400 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của Petrolimex; sử dụng trên 26.000 lao động, đảm nhận cung cấp khoảng 50% nhu cầu xăng dầu trong nước thông qua hệ thống kho - cảng hiện đại.
Giá cổ phiếu PLX trên thị trường OTC đã liên tục tăng trong những tháng cuối năm 2016 đến nay. Theo các nhà môi giới chứng khoán, PLX đã tăng từ các mức giá 26.000 – 27.000 đồng/cổ phiếu lên các mức 35.000 đồng/cổ phiếu đầu năm 2017 và hiện đang được giao dịch tại mức giá khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu trên sàn OTC.
Cửa hàng xăng dầu Petrolimex
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)
VEAM cũng là một trong những doanh nghiệp nhà nước dự kiến niêm yết trong năm nay đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Máy nông nghiệp VEAM
Được thành lập năm 1990 với 12 nhà máy cơ khí từ năm 1995, VEAM đến nay là Tổng công ty lớn chuyên sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô – xe máy; vận chuyển hàng hóa,…
Hiện nay, VEAM có 12 công ty con, trong đó có 5 công ty sở hữu 100% vốn và 7 công ty sở hữu từ 51% đến 89% vốn. Bên cạnh đó, VEAM cũng có 9 công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu từ 18 đến 49%.
VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam và đây là những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất cho VEAM. Năm 2015, công ty mẹ VEAM đạt lợi sau trước thuế 3.366 tỷ đồng, trong đó tiền cổ tức lên tới 3.391 tỷ đồng.
Ngày 12/8/2016, VEAM đã tổ chức IPO và đã bán 149,8 triệu cổ phần (tương đương 89% số cổ phần đưa ra đấu giá), thu về cho Nhà nước 2.136 tỷ đồng. Số cổ phần trên được phân phối cho 240 nhà đầu tư với giá trúng bình quân là 14.291 đồng/cp. Dự kiến sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VEAM là 13.288 tỷ đồng. Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương đương hơn 677,6 triệu cổ phần
Tháng 01/2017, VEAM đã tổ chức kỳ Đại hội cổ đông lần đầu tiên kể từ khi IPO. Theo báo cáo từ hội nghị, tổng doanh thu của VEAM năm 2016 ước đạt 11.315 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015. Lợi nhuận hợp nhất năm 2016 của tổng công ty này đạt mức 3.602 tỷ đồng, giảm so với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.370 tỷ đồng của năm 2015. Năm 2017, VEAM đặt mục tiêu doanh 11.812 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận hợp nhất là 3.600 tỷ đồng.
Được biết, giá cổ phiếu VEAM hiện đang giao dịch quanh mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu trên sàn OTC.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power)
PV Power là một trong các Tổng công ty lớn khác có kế hoạch cổ phần hóa trong năm nay. Kế hoạch trong năm 2017, Tổng công ty này sẽ hoàn thành IPO và tiến tới niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đã dẫn lời ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho PV Power và theo đó, sẽ giảm sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này xuống dưới 50%.
Việc bán cổ phần tại PV Power cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm nỗ lực mở cửa nền kinh tế và có thể giúp Nhà nước thu về 700 triệu USD. Tờ báo này cũng cho biết số tiền thu được có thể được rót vốn vào các dự án năng lượng khác.
Điện lực dầu khí PV Power
Năm 2016, tổng sản lượng điện sản xuất cả năm của PV Power ước đạt 21,156 tỷ kWh; Doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 26.522 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.595 tỷ đồng. Năm 2017, PV Power đặt mục tiêu tổng sản lượng điện sản xuất đạt trên 21 tỉ kWh, doanh thu 30,8 ngàn tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.560 tỉ đồng. Ngoài ra, các thông tin khác về cổ phần hóa vẫn chưa được PV Power công bố cụ thể.
Tập đoàn Lộc Trời
Theo một số nguồn tin, Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang- AGPPS) cũng đang có những bước chuẩn bị để lên sàn trong năm nay. Khi đó, Lộc Trời sẽ trở thành “bom tấn” thực sự trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam.
AGPPS được thành lập vào năm 1993. Năm 1996, công ty bước vào lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống, đặc biệt là về lúa giống. AGPPS được cổ phần hóa vào năm 2004 với số vốn điều lệ được tăng lên 150 tỉ đồng. Đến năm 2014, Lộc Trời đã tăng vốn điều lệ lên hơn 652 tỷ đồng. Cổ đông lớn của công ty gồm Ngân hàng Standard Chartered nắm 34,39% vốn, bên cạnh đó còn có Penn Partners và Mekong Capital.
Năm 2015, AGPPS chính thức đổi tên thành Lộc Trời với tổng tài sản 6.400 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Trong năm này, công ty thực hiện được 7.856 tỷ đồng doanh thu thuần, đạt 78% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 319 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.820 đồng/cổ phiếu. Công ty đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% cho năm 2015.
Theo thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Lộc Trời tổ chức trong năm 2016, Tập đoàn này đặt mục tiêu kế hoạch 2016 với doanh thu thuần 9.393 tỷ đồng, và 425 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL
Trước đây, lĩnh vực kinh doanh truyền thống là thuốc Bảo vệ thực vật mang lại hiệu quả kinh doanh lớn nhất cho tập đoàn, tuy nhiên trong những năm gần đây, Lộc Trời đã chuyển hướng sang thực hiện mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn cùng các nông hộ tại vùng ĐBSCL.
Dù đã thành công khi trở thành công ty xếp thứ 9 trong lĩnh vực xuất khẩu gạo và là một trong những công ty hàng đầu tại Việt Nam về xuất khẩu gạo với các sản phẩm mang thương hiệu Hạt Ngọc Trời .
Tuy nhiên, việc triển khai chiến lược mới của lãnh đạo công ty đã không nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông công ty. Không cùng mục tiêu trong hoạt động kinh doanh, trong năm 2014, VinaCapital đã chuyển nhượng toàn bộ 23,6% cổ phần nắm giữ tại Lộc Trời cho quỹ Standard Chartered Private Equity (SCPE) và thu về khoảng 63 triệu USD. Mức giá chuyển nượng là 85.000 đồng/cp.
Theo một nhà môi giới chứng khoán, giá cổ phiếu Lộc Trời đang được chuyển nhượng với mức giá khoảng 40.000 - 42.000 đồng/cổ phiếu trên sàn OTC.