4 bài học tiết kiệm từ các bà mẹ - bậc thầy tài chính trong gia đình
Bạn là một người trẻ đang trên con đường xây dựng sự nghiệp riêng? Bạn vừa có gia đình hay thậm chí là đã ở tuổi trung niên? Dù bạn ở độ tuổi nào thì chắc chắn mẹ - người đã chăm sóc và quản lí tất cả tiền bạc của bạn trong 18 năm đầu đời vẫn luôn cằn nhằn về cách bạn tiêu tiền.
Tuy nhiên, những lời trách cứ từ mẹ thường không được chúng ta lắng nghe nghiêm túc như các bài giảng hay lời khuyên hoa mĩ của các chuyên gia tài chính trên TV, tạp chí hay trong các khóa học quản lí tiền bạc đắt đỏ bên ngoài.
Có lẽ bởi những gì mộc mạc thường khó khơi gợi cảm giác trân trọng nhưng trên thực tế, các bà mẹ luôn luôn đúng. Dù họ không thể diễn đạt theo một cách khoa học với nhiều thuật ngữ như chuyên gia nhưng những gì họ đã làm thực sự là bài học tài chính đáng quí cho chúng ta.
Trang thông tin tài chính Adityabirlacapital của Ấn Độ đã chỉ ra 4 bài học tài chính mà bất cứ bà mẹ nào cũng đang nhắc nhở bạn mỗi ngày và các chuyên gia cũng vậy.
1. Lập kế hoạch tiết kiệm ngay khi có một dự định lớn lao
Bạn có thể thường nghe về câu chuyện lao động vất vả suốt một đời của cha mẹ - những người lao động bình thường hoặc những người có ý chí kinh doanh từ vài thập kỉ trước. Tất cả những gì bạn đang có như ngôi nhà, sổ tiết kiệm, xe,... đều được xây dựng và tích lũy qua bàn tay của họ.
Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy: các bà mẹ luôn là người chủ động lên kế hoạch tiết kiệm và xử lí tiền bạc ngay từ giai đoạn đầu tiên lên kế hoạch. Từ tìm kiếm ngôi nhà phù hợp, chuẩn bị nguồn tiền sẵn có, các liên hệ để vay tiền đến tìm người bán, tính toán cách tăng thu nhập...
Và hẳn bạn đã, đang hoặc sẽ trải qua giai đoạn khi các bà mẹ mong muốn được thấy con mình kết hôn và bắt đầu tính số tiền cần thiết cho một đám cưới? Đó chẳng phải là bài học về xây dựng kế hoạch tiết kiệm ngay từ bước đầu đang được mẹ thể hiện hết sức gần gũi và dễ hiểu đó sao?
2. Cách kiếm tiền nhanh nhất là tiết kiệm
Các tỉ phú và người giàu thường xuyên phát biểu những điều tương tự trên tạp chí, trên sách báo và trong các buổi phỏng vấn về cách làm giàu. Bạn cảm thấy thật khâm phục nhưng bản thân không thể áp dụng thành công? Hãy nhìn lại mẹ của mình.
Bà có bao giờ bỏ hàng trăm nghìn cho một bữa tối bên ngoài thay vì nấu nướng tại nhà? Tại sao bà luôn mặc cả nhiều nhất có thể giá tiền cho một mớ rau hay một lạng thịt dù bạn lại cảm thấy vài nghìn không đáng là bao? Chắc chắn mẹ bạn cũng sẽ không bao giờ muốn mang quần áo bẩn ra hàng giặt là để dành thời gian ngồi cà phê với bạn bè.
Và nhờ đó, sổ tiết kiệm của các bà mẹ luôn là bất ngờ với tất cả chúng ta. Một cách khác, bà đang kiếm tiền hàng ngày bằng cách không tiêu một xu lẻ cho những gì có thể tự hoàn thành. Vậy tại sao bạn không học ngay từ mẹ mình cách tiết kiệm này thay vì cho rằng bà đang cổ hủ và không biết hưởng thụ?
3. Lập sổ chi tiêu
Cuốn sổ chi tiêu của nhiều bà mẹ sau này trở thành kỉ vật của các gia đình, mang nhiều giá trị kỉ niệm nhưng trên thực tế, đó còn là cuốn giáo trình vô cùng hữu ích về tài chính. Bạn có thể tìm thấy trong đó tất cả các khoản tiền dành cho đầu tư, tiết kiệm, tài liệu và các giấy tờ khác, v.v. để kiểm soát tài chính trong bất cứ trường hợp nào như bảo hiểm Y tế, biên lai điện - nước, biên lai tiền tiết kiệm ở ngân hàng, v.v.
Mẹ không cần đến bất cứ một công cụ hay ứng dụng hiện đại nào để hỗ trợ bà trong suốt quá trình này. Vậy tại sao chúng ta - những người trẻ được giáo dục ở cấp độ cao hơn nhiều lại lúng túng và gặp khó khăn?
Bí quyết của họ có lẽ nằm ở sự tập trung tối đa và ý thức rất rõ về trách nhiệm của bản thân đối với tài chính gia đình. Như bất cứ một tỉ phú nào với doanh nghiệp của mình. Bạn đã sẵn sàng học theo 'startup mẹ' hay chưa?
4. Xác định những khoản cần phải bội chi
Hàng tháng, khi bạn kiểm tra tiến độ ngân sách của mình, theo dõi bội chi định kì cho các hạng mục chi tiêu là điều hết sức cần thiết. Bạn có thể sẽ thấy một hoặc hai khoản tiền thường vượt quá định mức đặt ra ban đầu. Tùy vào tình huống và điều kiện bản thân, bạn có thể tăng ngân sách cho khoản đó hoặc cắt giảm phù hợp.
Đó là lí do bạn sẽ thấy các bà mẹ của chúng ta đôi khi trở nên vô cùng hà tiện khi bạn cần tiền tham gia các buổi dã ngoại, hoạt động ngoại khóa hay mua sắm đồ dùng nhưng lại không hề đắn đo khi bạn cần hỗ trợ tiền bạc trong công việc, học tập. Bởi bạn biết đấy, quá trình nuôi dạy con cái là chặng đường luôn luôn bội chi.
Tiết kiệm tiền bạc là một thói quen cần được nuôi dưỡng theo thời gian trong khi tiêu tiền khôn ngoan có thể mất cả đời để học tập. Vậy tại sao bạn không bắt đầu ngay từ hôm nay với một bậc thầy tài chính đang chờ bạn ở nhà: mẹ?