30% và chính phủ số
Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) cũng như các công nghệ khác, ứng dụng giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Hoa
Thiếu dữ liệu chất lượng chứ không thiếu phương pháp
Việc thống kê và tính toán GDP của Việt Nam mặc dù đã có những cố gắng tiếp cận về phương pháp theo chuẩn mực quốc tế nhưng kết quả vẫn có sự sai lệch lớn giữa các phương pháp(1). Điều này cho thấy nguyên nhân chính là ở dữ liệu đầu vào. Vì nếu có số liệu tốt, dù tính theo phương pháp sản xuất, tiêu dùng hay thu nhập, thì các kết quả cũng phải như nhau. Các nước phát triển cũng thường tính toán lại GDP, có khi sau thời điểm công bố đến ba năm, vì có thêm dữ liệu được cập nhật, nhưng sai số ở điểm phần trăm tối đa cũng chỉ ở mức một con số.
Dữ liệu không tốt rơi vào trường hợp thiếu dữ liệu, dữ liệu không đúng hay cả hai, và dữ liệu thống kê của Việt Nam rất nhiều khả năng rơi vào tình trạng vừa thiếu vừa sai. Dữ liệu thiếu vì việc ghi nhận các hoạt động kinh tế bị bỏ sót nhiều, nhất là ở khu vực phi chính thức. Còn dữ liệu bị sai là do chưa có hệ thống kết nối và kiểm tra chéo tự động.
Nhưng không chỉ các cơ sở dữ liệu kinh tế vĩ mô có chất lượng chưa tốt, dữ liệu ở cấp độ địa phương hay ngành hiện nay còn kém hơn rất nhiều. Các báo cáo hàng năm của nhiều ngành, địa phương rất khó tìm được trên hệ thống dữ liệu mở, công khai.
Chính phủ số bắt đầu từ hệ thống dữ liệu tốt
Quan trọng hơn hết, cần lưu ý đến chất lượng dữ liệu, phân loại và khai thác tối đa, vì dữ liệu không như các nguồn tài nguyên khác, càng khai thác thì càng gia tăng giá trị và số lượng.
Gần đây, Chính phủ đã có kế hoạch thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử, để hướng đến chính phủ số. Đây là một chiến lược kịp thời trong xu hướng phát triển nhanh của nền kinh tế số trên toàn thế giới.
Về mặt công nghệ, hạ tầng và nhân lực, có thể nói Việt Nam không thua kém các nước trong cơ hội chuyển giao sang nền kinh tế số. Vấn đề cốt lõi của nền kinh tế số chính là dữ liệu, vì vậy dữ liệu được coi là “dầu mỏ” của tương lai. Nhưng khi đó, chất lượng dữ liệu lại là quan tâm hàng đầu vì tất cả đầu vào của trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML) đòi hỏi chất lượng của dữ liệu.
Với dân số vào khoảng 100 triệu người, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) cũng như các công nghệ khác, ứng dụng giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Nhưng hạ tầng thông tin dữ liệu cũng như hạ tầng đô thị, cần có quy hoạch, tầm nhìn xa và sự kết nối chia sẻ.
Chính phủ và một số địa phương ở Việt Nam thời gian qua đã rất quan tâm đến sự phát triển của công nghệ số. Nhiều đề xuất về thành phố thông minh, hệ sinh thái dữ liệu mở đã được tìm hiểu, nghiên cứu tính khả thi và triển khai từng phần.
Nhưng nếu thiếu một quy hoạch tổng thể ở cấp quốc gia, một đơn vị có ảnh hưởng đủ mạnh để điều phối chương trình thì rủi ro thất bại của chiến lược là rất cao.
Khi thiếu quy hoạch chung ở cấp quốc gia và cụ thể ở địa phương và ngành, hiện tượng cát cứ sẽ xảy ra theo hướng mạnh ai nấy làm, không chỉ không tương thích về mặt kỹ thuật như phần cứng, phần mềm, mà ngay cả phân loại dữ liệu. Chưa kể, khả năng không chịu kết nối, chia sẻ vì tư duy dữ liệu là tài sản riêng của mình, mà không thấy được rằng qua chia sẻ, lợi ích mang lại sẽ tăng lên rất nhiều.
Lấy ví dụ, nếu các địa phương trong cùng một vùng có hệ thống dữ liệu được chuẩn hóa, cùng chia sẻ trên hệ thống dữ liệu mở thì việc tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp sẽ được cải thiện rất nhiều, việc đưa ra quyết định sẽ giảm đi rất nhiều yếu tố cảm tính.
Do đó, trong chiến lược phát triển chính phủ điện tử và chính phủ số sau đó, cần có một quy hoạch dài hạn, chuẩn bị sẵn hạ tầng, đảm bảo tính tương thích trong kết nối và chia sẻ. Nhưng quan trọng hơn hết, cần lưu ý đến chất lượng dữ liệu, phân loại và khai thác tối đa, vì dữ liệu không như các nguồn tài nguyên khác, càng khai thác thì càng gia tăng giá trị và số lượng.