|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

3 mẹo giúp giới trẻ đưa ra quyết định tài chính mà không bị chi phối bởi mạng xã hội

06:50 | 02/12/2019
Chia sẻ
Giới trẻ hiện nay đang bị mạng xã hội chi phối rất nhiều tới quyết định tài chính và cần có giải pháp cho vấn đề này.

Hầu hết chúng ta đều từng cố gắng chạy theo hình ảnh của những người nổi tiếng xuất hiện trên các tạp chí hay truyền hình và thời đại công nghệ ngày nay cùng mạng xã hội cập nhật từng phút càng khiến áp lực không bị tụt hậu khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Theo Khảo sát về thói quen chi tiêu hiện đại năm 2019 của Charles Schwab, hơn 1/3 dân số Mỹ thừa nhận thói quen chi tiêu của mình bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh và trải nghiệm được bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội và cho biết lí do họ làm vậy là để không có cảm giác bị đứng ngoài xu hướng.

Chi tiêu để phô trương như mua thiết bị công nghệ mới nhất hay một chuyến du lịch đắt đỏ đều là một phần động lực khiến bạn làm việc chăm chỉ để kiếm và tiết kiệm tiền nên bằng mọi cách, hãy tiếp tục làm những việc đó! Tuy nhiên, không để hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO) ảnh hưởng đến khả năng xây dựng nền tảng tài chính ổn định lâu dài cũng rất quan trọng.

Để kiểm soát được áp lực và các yếu tố thúc đẩy chi tiêu, hãy xem xét 3 nguyên tắc tiết kiệm và đầu tư dưới đây do các chuyên gia Kiplinger gợi ý:

images (6)

Chi tiêu để phô trương như mua thiết bị công nghệ mới nhất hay một chuyến du lịch đắt đỏ là thói quen của giới trẻ hiện nay. Ảnh: Kiplinger

1. Đầu tư

Làm giàu là một quá trình nỗ lực lâu dài và đối với các nhà đầu tư dài hạn, thời gian trải nghiệm thực tế trên thị trường quan trọng hơn nhiều những lí thuyết về tiết kiệm hay thận trọng. Mức tiết kiệm của bạn là yếu tố lớn nhất quyết định liệu bạn có thể đáp ứng các mục tiêu tài chính của mình hay không và bạn càng bắt đầu tiết kiệm và đầu tư sớm thì thời gian tích góp của bạn càng tăng lên nhờ ảnh hưởng của lãi kép.

Khi đầu tư, tìm cách đa dạng hóa các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu hay đầu tư tiền mặt, cũng như các lĩnh vực và khu vực cũng rất quan trọng. Sự kết hợp chính xác nhất sẽ dựa trên các yếu tố như khả năng chịu đựng các tổn thất tiềm tàng của bạn và khoảng thời gian bạn muốn đầu tư.

Nghỉ hưu thoải mái, an toàn là thách thức tài chính lớn nhất mà hầu hết chúng ta sẽ phải đối mặt nên bắt đầu từ sớm là điều rất quan trọng. Đối với những người bắt đầu tiết kiệm cho nghỉ hưu ở độ tuổi 20, các chuyên gia thường khuyến khích mức tiết kiệm là 10% - 15% thu nhập trước thuế. Nếu bạn bắt đầu ở độ tuổi 30, nhắm mục tiêu 15% - 25% và những người trên 50 tuổi mới bắt đầu sẽ cần dành khoảng 60% thu nhập trước thuế để tiết kiệm.

2. Đặt mục tiêu

Hầu hết chúng ta đều thực hiện một số mục tiêu tài chính cùng lúc như tiết kiệm cho nghỉ hưu, trả học phí cho con hoặc mua nhà. Bước đầu tiên để xác định và có được những tiến bộ nhất định cho các mục tiêu đó là xây dựng kế hoạch đạt được chúng. 

Khảo sát của Schwab cho thấy hơn 60% người Mỹ có kế hoạch tài chính bằng văn bản cảm thấy ổn định và an tâm về tiền bạc trong khi chỉ 1/3 những người không lập kế hoạch cảm thấy như vậy. 

Một kế hoạch tài chính thể hiện lộ trình cho cuộc sống của bạn và đảm bảo tất cả mọi yếu tố đều phù hợp với nhau, tránh các rủi ro và rắc rối đáng tiếc. Kế hoạch tài chính cũng có thể bao gồm ngân sách hoặc danh mục chi tiêu để cân bằng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Dù bạn đang có một cố vấn tài chính hay tự mình đưa ra quyết định, hãy tự hỏi mục tiêu sử dụng tiền bạc hiện tại là gì và viết ra tất cả các ý tưởng ngắn hạn và dài hạn theo cách cụ thể và toàn diện nhất. Việc nhìn thấy những mục tiêu mơ hồ nằm rõ ràng trên giấy sẽ cho bạn động lực hoàn thành kế hoạch tài chính.

3. Đi đúng hướng

Khi bạn đã đầu tư, việc giữ được tập trung và duy trì hướng đi chính xác là hết sức quan trọng. Đầu tiên, hãy cân đối lại danh mục đầu tư tối thiểu một lần/ năm để đảm bảo những gì bạn đang bỏ tiền ra phù hợp với mục tiêu và khả năng chịu rủi ro của mình. 

Thứ hai, cố gắng loại bỏ những thông tin gây nhiễu là yếu tố rất thiết yếu với một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong thị trường tài chính, các biến động ngắn hạn của thị trường dễ khiến những người thiếu kinh nghiệm đưa ra quyết định vội vàng dù đó là lợi nhuận hay thua lỗ. 

Trong phạm vi các mối quan hệ, hãy cố gắng quan sát cách bạn bè và gia đình chi tiêu hoặc tiết kiệm để học được những bài học thực tế về quá trình xử lí và xây dựng nền tảng tài chính.

Bắt kịp với những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội đã trở thành một phần trong văn hóa của giới trẻ nhưng kiểm soát khả năng tài chính đúng cách sẽ giảm bớt các áp lực xã hội. Duy trì tầm nhìn tài chính thông qua tiết kiệm, đầu tư và lập kế hoạch phù hợp là lựa chọn khôn ngoan nhất cho bạn.

Thu Phương