|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

2022 và 2023 sẽ là hai năm tăng trưởng mạnh của Việt Nam

21:37 | 23/07/2022
Chia sẻ
VCSC nhận định một vài yếu tố mang tính cơ cấu và chu kỳ cho thấy Việt Nam vẫn có vị thế tương đối tốt để ghi nhận mức tăng trưởng cao với sự ổn định môi trường vĩ mô.

Năm 2022 và 2023 dự báo đều tăng trưởng trên 7%

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2022, theo đó dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức 7,2% và năm 2023 đạt 7%.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,72% trong quý II/2022 - mức tăng trưởng GDP trong quý II cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Mức này góp phần nâng tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 6,42% - mức cao nhất trong 3 năm qua.

VCSC kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2022 từ mức nền thấp của nửa cuối năm 2021. Bên cạnh đó, công ty cũng đề cập đến rủi ro đối với nhu cầu toàn cầu và thương mại của Việt Nam đã gia tăng, dù đà phục hồi trong nước đang vượt kỳ vọng.

 Dự báo tăng trưởng GDP. (Nguồn: Bloomberg, VCSC).

Yếu tố rủi ro có thể khiến tăng trưởng thấp hơn dự báo của VCSC gồm rủi ro trên toàn cầu gia tăng (chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn kỳ vọng, xung đột địa chính trị gia tăng và chính sách Zero-COVID kéo dài của Trung Quốc) có thể tiếp tục tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.

Giá dầu thô và giá hàng hóa cơ bản khác trên toàn cầu tăng cao hơn kỳ vọng và có thể làm tăng thêm chi phí sản xuất và lạm phát, qua đó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và triển vọng kinh tế.

Một yếu tố khác có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng là giải ngân gói hỗ trợ của Chính phủ chậm hơn dự kiến.

Trong trường hợp rủi ro địa chính trị và lạm phát toàn cầu giảm dần, hỗ trợ triển vọng toàn cầu cũng như triển vọng của Việt Nam, đồng thời chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được triển khai nhanh hơn, triển vọng tăng trưởng có thể cao hơn dự báo trên của VCSC.

Việc tăng lãi suất trong nước (nếu có) sẽ chỉ ở mức trung bình

Về lạm phát, các chuyên gia tại đây duy trì dự báo CPI trung bình ở mức 3,5% cho năm 2022.  

Dù lạm phát gia tăng trên toàn cầu, lạm phát của Việt Nam vẫn trong vùng kiểm soát với CPI bình quân trong nửa đầu năm 2022 ở mức 2,25% - mức thấp thứ hai trong cùng giai đoạn kể từ năm 2017. 

 Dự báo lạm phát. (Nguồn: Bloomberg, VCSC).

Tỷ giá USD/VND tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND là một trong những tỷ giá duy trì ổn định nhất trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2022. VCSC kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tăng 2,5% trong năm 2022 (cao hơn mức kỳ vọng 1,0% đưa ra vào tháng 3/2022) do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và đồng USD tăng mạnh. 

Theo VCSC, Việt Nam, với vai trò là một trong những nền kinh tế có độ mở nhất ở châu Á khi tính theo hoạt động thương mại trên GDP, tất nhiên sẽ không tránh khỏi các thách thức từ tình hình vĩ mô toàn cầu - cụ thể là lạm phát khiến chi phí tăng, tạo áp lực lên các hoạt động thương mại từ giá dầu thô cao hơn và tăng trưởng chậm hơn tại Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, khối phân tích đánh giá một vài yếu tố mang tính cơ cấu và chu kỳ cho thấy Việt Nam vẫn có vị thế tương đối tốt để ghi nhận mức tăng trưởng cao với sự ổn định môi trường vĩ mô.

"Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở châu Á đã duy trì vị thế này xuyên suốt đại dịch, được thể hiện thông qua đà tăng trưởng ổn địch trong sản xuất công nghiệp, thương mại hàng hóa và dòng vốn FDI.

Diễn biến phục hồi từ mở cửa trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội của Việt Nam trong năm 2021 sẽ tạo ra sự thúc đẩy đáng kể vào giai đoạn 2022/2023 khi thị trường lao động phục hồi và khách du lịch quốc tế quay trở lại.

Trong khi đó, triển vọng lạm phát tương đối ổn định của Việt Nam cho thấy rằng việc tăng lãi suất trong nước (nếu có) sẽ chỉ ở mức trung bình, nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và dự trữ ngoại hối ổn định giúp hỗ trợ tính linh hoạt trong các chính sách điều hành", VCSC nhận định.  

 Dự báo lãi suất điều hành chung. (Nguồn: Bloomberg, VCSC).

Anh Đào