|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

2017 - gió đã đổi chiều với cổ phiếu ngân hàng?

16:06 | 15/03/2017
Chia sẻ
Lợi nhuận công bố trong năm 2016 của ngành ngân hàng cùng với những bình luận lạc quan trên truyền thông như “lợi nhuận đột phá”, “dọn sạch nợ xấu”, “vượt qua khủng hoảng” có lẽ đang khiến không ít người lạc quan hơn về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2017.
Cần phải bình tĩnh để chọn ngân hàng nào có giá rẻ tương đối hoặc chờ giá điều chỉnh giảm để mua làm của để dành cho vài năm sau. Ảnh: internet

Trái với một vài tít báo cho là cổ phiếu ngân hàng “qua rồi thời hoàng kim” vào dịp cuối năm 2016, những tít báo từ nửa sau tháng 1-2017 thể hiện sự lạc quan hơn khi cho rằng ngân hàng đang tìm lại thời hoàng kim. Mức tăng giá đáng chú ý của các cổ phiếu ngân hàng (chẳng hạn mức tăng khoảng 30% của cổ phiếu ACB từ mức đóng cửa 2016 đến cuối tháng 2-2017) càng khiến người ta chú ý đến ngành ngân hàng.

Đây là giai đoạn quan trọng hơn bao giờ hết để nhìn lại các vấn đề cơ bản của ngành ngân hàng trong năm 2017. Hai yếu tố quan trọng cần chú ý khi đánh giá triển vọng các ngân hàng 2017 là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và áp lực tăng vốn.

Lợi nhuận của các NHTM khó có thể duy trì ở mức cao

Các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao từ mặt bằng của năm 2016 vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, lạm phát có xu hướng sẽ cao hơn trong năm 2017 trong khi tiền đồng chịu áp lực mất giá có thể buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong năm 2017, đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên, và tăng chi phí vốn của ngân hàng.

Liệu giá cổ phiếu ngân hàng ở mặt bằng hiện tại có còn rẻ sau khi đã tính toán luôn cả những rủi ro đối với lợi nhuận ngân hàng và áp lực tăng vốn hay không?

Thứ hai, từ ngày 1-1-2017 tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các NHTM giảm từ 60% xuống 50%, đồng thời hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Đây là một bước đi đảo ngược của xu thế năm 2014 khi NHNN ban hành Thông tư 36 điều chỉnh tăng mạnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60% và giảm hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán từ 250% xuống 150%.

Nó là một tín hiệu cho thấy NHNN không muốn đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong năm 2017 và tạo sức ép buộc các NHTM phải gia tăng huy động trung và dài hạn, gây thêm áp lực để đẩy chi phí vốn lên. Trong khi đó, nhiều khả năng NHNN sẽ cố gắng không để lãi suất cho vay tăng mạnh gây ảnh hưởng sốc đến nền kinh tế, khiến cho thu nhập lãi cận biên (NIM) của một số NHTM có thể sẽ giảm. Các chính sách này cũng đồng thời hạn chế tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn và tín dụng cho bất động sản. Trong bối cảnh như vậy, lợi nhuận của NHTM khó mà tiếp tục tăng trưởng ấn tượng như năm 2016.

Thứ ba, cạnh tranh giữa các ngân hàng và việc tăng nắm giữ trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài với lợi tức thấp trong năm 2016 có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2017 và có thể gây ra lỗ trong những năm tới do mặt bằng lãi suất tăng.

Thứ tư, tín dụng tiêu dùng cho mục đích bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2016 (tăng 39% trong khi tăng trưởng tín dụng chung 18,71%) đã hỗ trợ làm tăng thu nhập và đa dạng hóa danh mục cho các NHTM. Tuy nhiên, đó sẽ là thách thức cho ngân hàng tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng nhanh trong năm 2017 khi dư nợ cho vay thế chấp bất động sản ước tính chiếm 54% dư nợ cho vay tiêu dùng và dòng vốn tín dụng vào bất động sản đang chững lại (tăng 12,5% năm 2016 so với 28,3% năm 2015).

Sự chững lại của dòng vốn cho vay bất động sản có thể tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản nếu không có nguồn vốn khác thay thế. Nếu thị trường bất động sản bị ảnh hưởng xấu, nhiều khả năng các khoản nợ quá hạn ở một số ngân hàng sẽ tăng trở lại. Dư nợ cho vay tiêu dùng liên quan đến bất động sản tăng nhanh ở một số ngân hàng cũng tiềm ẩn rủi ro tăng nợ xấu ở mảng thị trường này. Vì vậy, sẽ là lạc quan quá sớm nếu cho rằng nợ xấu sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017 và các khoản dự phòng rủi ro sẽ được hoàn nhập.

Những yếu tố trên cho thấy thu nhập từ lãi của ngân hàng sẽ gặp nhiều áp lực trong năm 2017 và chưa có gì đảm bảo rằng chi phí dự phòng rủi ro không tăng lên. Những bất lợi này có thể được bù đắp bởi thu nhập ngoài lãi, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể hưởng lợi tốt từ thu nhập ngoài lãi.

Áp lực tăng vốn vẫn thường trực

Từ giữa năm ngoái, đã có nhiều cảnh báo cho thấy năm 2017 ngành ngân hàng sẽ đứng trước áp lực tăng vốn không nhỏ.

Về dài hạn, tăng vốn vẫn là ưu tiên đối với các ngân hàng nhóm dẫn đầu. Tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2016 đã làm giảm hệ số CAR (nhất là với các NHTM gốc quốc doanh). Các ngân hàng đều ý thức rằng việc giới hạn vốn đã làm giảm khả năng tăng trưởng trong tương lai khi Basel II được áp dụng vào năm 2020. Áp lực tăng vốn các ngân hàng gốc quốc doanh cao hơn các ngân hàng tư nhân, là do hệ số CAR thấp hơn và giới hạn phát hành các khoản nợ thứ cấp và trả cổ tức bằng tiền mặt vào ngân sách. Nhìn chung, nhiều khả năng các NHTM sẽ vẫn luôn trong trạng thái đối mặt với áp lực tăng vốn, nhất là về nửa cuối năm 2017.

Đối với nhà đầu tư, áp lực tăng vốn của các NHTM vì vậy không phải là tin đáng mừng. Dù cho room dành cho nhà đầu tư nước ngoài của các ngân hàng có được tăng lên đi nữa thì không có gì đảm bảo nhà đầu tư ngoại sẽ tham gia vào các ngân hàng đang chịu áp lực vốn lớn với bất cứ giá nào.

Những phân tích ở trên chỉ ra nhiều yếu tố rủi ro đối với lợi nhuận ngân hàng và áp lực tăng vốn mà nhà đầu tư cần thận trọng. Câu hỏi mà nhà đầu tư cần cân nhắc là, liệu giá cổ phiếu ngân hàng ở mặt bằng hiện tại có còn rẻ sau khi đã tính toán luôn cả những rủi ro đó hay không? Hay là cần phải bình tĩnh hơn để chọn ngân hàng nào có giá rẻ tương đối thật sự hoặc chờ giá điều chỉnh giảm lại để mua làm của để dành cho vài năm sau?

Hồ Quốc Tuấn - Chí Bảo