20 năm nhìn lại Luật Doanh nghiệp: Sửa luật trên tư duy kinh tế thị trường
Ông nhấn mạnh, tư duy phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản...
Cuộc cách mạng trong kinh doanh
Năm 1999 Luật DN ra đời trên cơ sở hợp nhất hai đạo Luật Công ty và Luật DN tư nhân 1990 đã tạo lập ra khung khổ pháp lý chung cho các chủ thể kinh tế trong nền KTTT, tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình DN.
Luật DN ra đời nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với DN; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp.
Sau 20 năm, cùng với những biến đổi từ thực tế, Luật DN đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005, 2014) và hiện đang tiếp tục được lấy ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, một trong số những người đầu tiên chắp bút xây dựng Luật DN 1999 nhận xét: “Đây là Luật đầu tiên của KTTT Việt Nam.
Dựa trên 4 tiêu chí đánh giá là: Tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ; an toàn trong kinh doanh; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách và thực thi luật pháp thì Luật DN đã đạt được nhiều thành tựu…”.
Theo TS Cung, cái được bao trùm là một hệ thống tư duy mở rộng quyền tự do kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tăng an toàn, giảm rủi ro trong kinh doanh đã chi phối ở mức độ nào đó trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc sửa đổi nhiều đạo luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…
“Cái được lớn nhất của Luật DN 1999 là tạo được sự thay đổi trong tư duy, từ chỗ trước đây Nhà nước coi quyền kinh doanh là của Nhà nước thì Nhà nước đã "ngộ" ra một điều quyền kinh doanh là quyền của người dân và DN, phải trả lại quyền đó cho người dân và DN…”- bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định.
Nhiều bài học thành công cũng như hạn chế của Luật DN được các chuyên gia, luật sư, DN bồi hồi nhắc lại trong một hội thảo về “20 năm Luật DN” do CIEM tổ chức trong Khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức mới đây.
Sửa Luật phải lắng nghe doanh nghiệp
Nói về Luật DN 2014, phiên bản Luật DN mới nhất đang có hiệu lực, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, Luật DN 2014 đã thay đổi một số cơ bản, thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, DN.
Tuy nhiên theo ông, thách thức lớn nhất là tuân thủ đúng pháp luật. Đơn cử như một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: Dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác.
“Đây là điểm mà chúng ta không bắt kịp 4.0 khi các dịch vụ thanh toán, phi tài chính phát triển mạnh như hiện nay.
Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm…”- TS Cung phân tích.
Bên cạnh đó, về chi phí tuân thủ, tuy có giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao. Tư duy các bộ, ngành chủ yếu là giảm theo từng đợt cải cách hành chính của Chính phủ, giảm chỉ mang tính phong trào, hết đợt đó là hết, chứ chưa phải là xuyên suốt của hệ thống.
Đặc biệt, về an toàn và rủi ro trong kinh doanh, thực thi còn phức tạp và có thể ngày càng tinh vi.
Luật DN 2014 thiết kế hậu kiểm, quản lý nhà nước chỉ tập trung vào những đối tượng rủi ro, vi phạm cao và với xã hội lớn nhưng thực tế hiện nay, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra có thiên hướng phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ DN tuân thủ pháp luật.
“Mỗi năm Quốc hội ban hành 20 luật, dưới luật là nghị định, thông tư hướng dẫn, chưa kể công văn điều hành.
Luật không đổi, nghị định không đổi nhưng thông tư có thể đổi. Thông tư các bộ ban hành, đúng với thông tư này có thể sai với thông tư khác.
Hướng dẫn thi hành là sự tuỳ ý. Đây chính là miếng đất màu mỡ cho thanh tra, kiểm tra DN, là nguồn gốc của những rủi ro trong tuân thủ luật pháp ở Việt Nam” - ông Cung chỉ rõ.
Chính vì vậy, khi đặt vấn đề sửa Luật DN 2014, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng Luật DN tới đây cần thực chất và hiệu quả.
Để làm được điều đó, theo ông, bài học đặt ra là các cơ quan quản lý phải lắng nghe DN, nhìn thẳng vào sự thật để có những sửa đổi sát với thực tế cũng như nhu cầu, nguyện vọng của DN.
Bên cạnh đó, pháp luật phải có những điều khoản tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, làm tốt hơn các quốc gia khác, phát huy sức mạnh toàn dân…”- ông Hiếu đề nghị.
Đề cập đến sửa Luật DN lần này, “cha đẻ” Luật DN 1999, TS Nguyễn Đình Cung quả quyết, trước hết phải sửa tư duy, sửa vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền KTTT, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật.
Theo ông, tư duy phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... Các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, một trong những bài học quan trọng rút ra sau 20 năm thực thi Luật DN là phải có bàn tay "sắt và sạch" của Nhà nước.
""Sắt" mà không "sạch" thì không thể "sắt" được, vì nó chỉ "sắt" với một số đối tượng yếu thế còn đối với những nhóm lợi ích và có khả năng chi trả rất cao thì nhiều khi không còn "sắt" được nữa mà nó sẽ bị "bẩn".
Do đó, Nhà nước rất cần dựa vào sức mạnh của xã hội và cộng đồng DN. Nếu bỏ qua sức mạnh này thì Nhà nước khó có thể thực hiện được các ý tưởng đã đề ra"- bà Lan nhấn mạnh.