11 năm trước NHNN đã bán gần 70 tấn vàng qua kênh đấu thầu và đạt hiệu quả ra sao?
Trong ngày 15/4, lần đầu tiên sau 11 năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ mở trở lại kênh đấu thầu vàng miếng SJC. Động thái được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt giá vàng trong bối cảnh giá kim loại quý này liên tục tạo kỷ lục mới và nới rộng mức chênh lệch với giá vàng thế giới. Giá vàng SJC trong nước có thời điểm đã vọt lên 85,5 triệu đồng/lượng (chiều bán ra).
Trước đó, vào năm 2013, công cụ đấu thầu vàng cũng đã được NHNN sử dụng nhằm hạ nhiệt giá vàng. Cụ thể, trong năm 2013, nhà điều hành đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng (gần 70 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
"Thông qua việc đấu thầu, NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới, mà chúng tôi chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết nhu cầu vàng", NHNN từng cho hay vào thời điểm 2013.
Cùng nhìn lại bối cảnh thời điểm đó để đánh giá tác động của chính sách này tới thị trường vàng năm 2013.
Theo ghi nhận của Viện chiến lược Ngân hàng (NHNN), năm 2012 thị trường ghi nhận hai cơn sốt tăng giá vào thời điểm tháng 8 đến tháng 11 do các ngân hàng đóng trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại – một hoạt động gây rủi ro, mất an toàn của hệ thống ngân hàng.
Đầu tháng 8/2012, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường đã đẩy giá mặt hàng này tăng nhanh từng ngày, trái ngược với tình cảnh ảm đạm như các kênh đầu tư khác cùng thời điểm đó. Giá tăng mạnh vượt qua mốc 43 triệu đồng/lượng chỉ trong một thời gian ngắn rồi đứng ở mức cao, dù diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới đã bớt “nóng”.
Từ cuối tháng 10 kéo sang tháng 11, thị trường vàng trong nước thêm một lần nữa lại “dậy sóng”. Cơn sốt vàng lần này chủ yếu là do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh mua để thực hiện quy định của Nghị định 24 (2012). Dù có những cơn sốt giá, nhưng giá vàng năm 2012 vẫn không chạm đỉnh kỷ lục của năm 2011 (49 triệu đồng/lượng).
Giá vàng xác lập đỉnh trong năm 2012 đạt mức xấp xỉ 48,5 triệu đồng/lượng (vào trung tuần tháng 10, đầu tháng 11).
Đến năm 2013, giá vàng giảm dần, không còn các đợt sốt như những năm trước. Giá vàng SJC phiên đầu năm được niêm yết ở giá 46,34 - 46,74 triệu đồng/lượng (mua – bán), đến phiên cuối năm 2013 giảm về còn 34,7 - 34,78 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau một năm, giá vàng SJC giảm 11,64 triệu đồng/lượng chiều mua vào, và bán ra giảm 11,96 triệu đồng/lượng.
"Có thể nói, việc tổ chức đấu thầu vàng miếng của NHNN, đã tác động đến thị trường vàng. Xu thế rõ nét của năm 2013 là giá vàng giảm khá nhanh và không có các cú sốc, mặc dù mức giảm còn thấp hơn giá vàng thế giới", Viện chiến lược ngân hàng nhận định.
Để thực hiện chính sách này, năm 2013, NHNN đã phải chi một khối lượng lớn ngoại tệ để nhập gần 70 tấn vàng để chuyển thành vàng miếng bán đầu thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Giải pháp nào cho thị trường vàng?
Đánh giá về giải pháp đấu thầu nhằm tăng lượng cung vàng miếng, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, từng chia sẻ trên kênh Tài chính - Kinh doanh cuối tháng 2 cho rằng không nên kỳ vọng đấu thầu vàng miếng sẽ giúp kéo giá vàng xuống ngay lập tức mà chủ yếu nhằm tăng cung ra thị trường để giải quyết vấn đề nhu cầu vàng, giảm chênh lệch giá mua và giá bán.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra mặt khác của chính sách này, đó là nếu nhập khẩu vàng thì nhà điều hành lại phải hy sinh dự trữ ngoại hối. "10 năm trước Việt Nam đã bỏ ra hơn 4 tỷ USD để nhập khẩu vàng", ông cho hay.
Đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Tuấn cho rằng nên thành lập sàn giao dịch vàng vật chất, hoạt động giống như các sàn ở London, Thượng Hải. Trên đó, có một số đầu mối liên thông với thế giới, nhập vàng về và bán cho người có nhu cầu. Ngoài ra, dùng thuế điều tiết mua bán vàng cũng là một đề xuất nên cân nhắc.
Chia sẻ với chúng tôi mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng nên bỏ cách quản lý độc quyền nguồn cung vàng, cho phép các doanh nghiệp đủ tiêu chí được nhập khẩu vàng, trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, đồng thời bỏ luôn quy định quản lý vàng theo hạn ngạch, chuyển sang quản lý bằng thuế. Ngân hàng trung ương có thể vẫn duy trì dự trữ bằng vàng, có thể can thiệp khi cần.
Nhà nước muốn khuyến khích nhập khẩu thì giảm thuế và ngược lại thì tăng thuế lên, Nhà nước thu được thuế và hoàn toàn chủ động, ông chỉ ra các điểm có lợi. Ngân hàng trung ương có thể vẫn duy trì dự trữ bằng vàng, có thể can thiệp khi cần.
Theo chuyên gia, bỏ độc quyền vàng miếng của SJC sẽ khiến nguồn cung tăng, giá vàng giảm xuống, sát hơn với thị trường thế giới. Và khi trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC trên thị trường sẽ giảm xuống như vàng 9999 bình thường hoặc cao hơn không đáng kể (do có thương hiệu).
Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để giải quyết vấn đề thị trường vàng, giải pháp là cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm tăng cung cho thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá quá lớn.
Ông phân tích, giống như mọi hàng hóa khác, hiện nay vàng SJC có độ chênh giá lớn như thế là do cung cầu. Cầu lớn hơn cung thì giá tăng, tăng cung giá sẽ tự giảm. NHNN có thể sử dụng vàng dự trữ hoặc nhập vàng về cho SJC gia công, hay trả lại cho SJC quyền sản xuất gia công vàng miếng.
Theo ông, cần xem vàng như một hàng hóa thông thường, nếu đã cho phép người dân mua vàng thì cũng nên tạo điều kiện để họ mua vàng với một chi phí hợp lý nhất. Vì vậy cần tạo sự liên thông trong quá trình nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng.
"Nếu NHNN lựa chọn chi ngoại tệ nhập khẩu vàng, hoạt động này nên được tính toán vào tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhưng đồng thời, vẫn cần phải duy trì dự trữ ngoại hối ít nhất bằng 12 tuần nhập khẩu theo như khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)", ông Trương Văn Phước cho hay.