10 sự kiện nổi bật về công tác thuế năm 2016
1. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, với diễn biến phức tạp của kinh tế trong và ngoài nước, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính, sự nỗ lực duy trì phát triển SXKD của cộng đồng DN và sự phấn đấu quyết tâm cao của CBCC thuế, kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) ngành thuế quản lý năm 2016 đã hoàn thành vượt dự toán được giao và tăng trưởng ổn định so với năm 2015. Đây là nỗ lực vượt bậc, thể hiện quyết tâm của ngành thuế trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách.
2. Sửa đổi bổ sung các luật thuế, hỗ trợ phát triển DN
Thực hiện Nghị quyết 19 về đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế (QLT) nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển DN, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô.
3. Lần đầu xây dựng dự thảo Nghị định về chống chuyển giá
Năm 2016, lần đầu tiên Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính, đề xuất xây dựng văn bản dưới hình thức Nghị định của Chính phủ để quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, hạn chế thất thu NSNN. Dự thảo Nghị định được các bộ, ngành và nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao về tính khả thi, đã tạo hiệu ứng mạnh, làm minh bạch hơn kết quả hoạt động kinh doanh và kê khai thuế đối với DN FDI, nhờ quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong công tác quản lý giá chuyển nhượng và thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giao dịch liên kết, chống thất thu NSNN.
4. Top đầu về chỉ số cải cách hành chính
Theo đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) do Bộ Tài chính công bố tại Quyết định số 988/QĐ-BTC ngày 10/5/2016 về chỉ số CCHC năm 2015 các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nằm trong Top đầu về cải cách CCHC với 96,10 điểm. Theo đó, điểm nhấn trong công tác này là kết quả thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó CCHC thuế được cải cách toàn diện. Trong năm qua, Tổng cục Thuế cũng đã có bước tiến vượt bậc về Chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNtruyền thông (ICT Index), nâng vị thế từ thứ 4 năm 2015 vươn lên vị trí thứ nhất toàn ngành Tài chính.
5. Thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà
Để mở rộng diện nộp thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2128/QĐ-BTC thí điểm khai thuế GTGT, TNCN điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân tại Hà Nội và TP HCM. Theo đó, cá nhân có nhà cho thuê tại 2 TP này nếu có nhu cầu sẽ được khai thuế điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, người nộp thuế (NNT) không nhất thiết phải đến Chi cục Thuế nơi có nhà cho thuê để nộp hồ sơ khai thuế hoặc gửi qua đường bưu chính như trước đây. NNT có thể thực thiện khai thuế điện tử ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, 24 giờ trên ngày, 7 ngày trên tuần. Quyết định này không chỉ giảm thiểu được thời gian và chi phí cho NNT mà còn giúp công tác quản lý của cơ quan thuế (CQT) tại địa phương được thuận lợi hơn.
6. Triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế
Thực hiện Quyết định 1209/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, trong năm 2016, Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của CQT trên địa bàn Hà Nội và TP HCM cho 249 DN. Việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực rút ngắn được thời gian lập, gửi, nhận hóa đơn, giảm chi phí quản lý, lưu trữ hóa đơn và cải cách TTHC thuế, tăng khả năng tuân thủ của DN bán hàng và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, hạn chế tình trạng gian lận mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, hạn chế và ngăn ngừa giả mạo hóa đơn, bảo vệ uy tín và thương hiệu của DN.
7. Mở rộng uỷ nhiệm thu đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Sau kết quả thu được trong 6 tháng đầu năm, ngày 25/7/2016 Tổng cục Thuế tiếp tục mở rộng diện thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, thông qua TCty Bưu điện Việt Nam; Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông quân đội tại 3 TP lớn Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, đồng thời chỉ đạo Cục Thuế 11 tỉnh, TP nghiên cứu, xây dựng đề án để thí điểm triển khai tại một số quận, huyện trên địa bàn từ Quý IV năm 2016. Động thái này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho CQT, NNT, góp phần hiện đại hóa công tác QLT, do tận dụng được nguồn nhân lực, vốn và CNTT hiện đại của các tập đoàn, tổng công ty lớn, mà còn cho thấy sự quyết tâm cao của ngành thuế trong việc cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển, hiện đại hóa công tác QLT của các nước trong khu vực.
8. Thành lập Ban chỉ đạo “chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận”
Nhằm cải thiện mạnh môi trường đầu tư, đảm bảo không xảy ra những vấn đề tránh thuế trong hoạt động đầu tư quốc tế, góp phần chống chuyển giá, ngày 21/7/2016, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai chương trình Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) tại Tổng cục Thuế. Theo đó, đã có 15 hành động được đề xuất cần ưu tiên để kiểm soát trong lĩnh vực này, bao gồm: QLT trong nền kinh tế kỹ thuật số; giới hạn các khoản thanh toán tiền lãi vay vượt mức; lợi dụng hiệp định; tránh sự hiện diện của cơ sở thường trú; tài sản vô hình; rủi ro và vốn; các giao dịch có rủi ro cao; hồ sơ giá chuyển nhượng; giải quyết tranh chấp và hiệp định thuế đa phương... qua đó giúp giải quyết vấn đề cấp bách nhất trong QLT hiện nay là chính sách cho phép hạch toán chi phí lãi tiền vay quá cao của các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam; lạm dụng chuyển giá; quy định về hồ sơ giá chuyển nhượng; cơ sở thường trú và lợi dụng áp dụng hiệp định thuế.
9. Quản lý kinh phí hoàn thuế GTGT tập trung, hiệu quả
Ngày 29/6/2016 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT với nhiều nội dung mới, nhằm đảm bảo quản lý hoàn thuế GTGT chặt chẽ, được giám sát tự động trên hệ thống ứng dụng CNTT. Trong đó, có nội dung quan trọng và thay đổi căn bản về quản lý, điều hành kinh phí hoàn thuế GTGT theo nguyên tắc tập trung, thống nhất tại Tổng cục Thuế và trong phạm vi dự toán của Quốc hội giao. Theo đó, kể từ ngày 13/8/2016, kinh phí hoàn thuế GTGT không phân bổ cho 63 tỉnh, TP như trước đây mà được quản lý, điều hành tại Tổng cục Thuế và Kho bạc Nhà nước trung ương theo phương thức điện tử. Cơ chế này đã khắc phục được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, chi hoàn thuế kịp thời cho DN, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết hoàn thuế, kiểm soát nhanh, đầy đủ, chính xác kinh phí hoàn thuế GTGT.
10. Quản lý thuế theo phương pháp rủi ro
Việc thành lập Ban quản lý rủi ro về thuế tại Tổng cục Thuế theo Quyết định 2019/QĐ-BTC của Bộ Tài chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của CQT và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD của DN. Việc áp dụng cơ chế QLT theo rủi ro sẽ giúp CQT phân luồng DN theo các hành vi để có cơ chế kiểm soát, giám sát và phương án xử lý phù hợp, từ đó phân bổ nguồn lực một cách hợp lý trong việc thực thi nhiệm vụ quản lý, tập trung nguồn lực vào những DN tuân thủ thấp, lĩnh vực rủi ro. Đồng thời, giúp NNT đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ CQT, góp phần giảm chi chí tuân thủ của NNT.