|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2016

08:15 | 29/12/2016
Chia sẻ
Năm 2016 tiếp tục chứng kiến sự hồi phục và tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam. Cùng với đó là các cảnh báo hiện tượng lệch pha cung - cầu... và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển nhà ở xã hội.

Ban Biên tập NDH xin giới thiệu với quý vị độc giả 10 sự kiện nổi bật của năm do NDH bình chọn.

1. Vốn FDI vào bất động sản giảm mạnh

Tuy chưa có số liệu chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy nhiên tại một hội thảo ngày 20/12, PGS, TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định năm 2016, nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản đạt khoảng 1,3 tỷ USD, giảm 44% so với cùng kỳ 2015.

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Việt Nam lại lạc quan hơn khi cho rằng các dự án FDI năm 2016 có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn thực hiện cao hơn. Đó là xu hướng tích cực trong thu hút FDI bởi ở giai đoạn trước (từ năm 2007 đến 2010) tuy có nhiều dự án lớn vào bất động sản lên đến hàng tỷ USD nhưng tỷ lệ thực hiện khá thấp chỉ khoảng 25%.

Trong thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản Việt Nam ở nhiều phân khúc. Ở phân khúc nhà ở trung cấp, tiêu biểu là Công ty CP đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) hợp tác với Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), Công ty CP Đầu tư Địa ốc Tiến Phát (Tiến Phát Corp) và hợp tác Pressance Corporation (Nhật Bản)...

Ở phân khúc bất động sản cao cấp, hồi giữa tháng 9, tập đoàn Indochina Capital đã kí kết thành lập liên doanh với Kajima (Nhật Bản). Liên doanh mới mang tên Indochina Kajima Development có tỷ lệ đóng góp mỗi bên 50% và tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 1 tỷ USD trong 10 năm tới.

Tập đoàn Mitsubishi cũng quyết định bỏ ra 290 triệu USD để cùng Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh để phát triển nhà ở tại Dự án Khu đô thị phức hợp The Manor Central Park (Hà Nội). Ngoài ra, Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng công bố dự án Thành phố Amata Long Thành (Đồng Nai), tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD.

2. Sôi động M&A dự án và doanh nghiệp bất động sản

Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) dự án và doanh nghiệp bất động sản khá sôi động trong năm 2016. Về phía nhà đầu tư nước ngoài, nổi bật là thương vụ tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được AON mua lại với giá 382,5 triệu USD; tòa nhà Kumho Plaza tại TP HCM được Mapletree (Singapore) mua với giá 385 triệu USD. Tập đoàn Khách sạn Pan Pacific (Singapore) thực hiện thành công thương vụ đầu tư vào khách sạn Sofitel Plaza Hanoi và đổi tên thành Pan Pacific Hà Nội...

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Các doanh nghiệp trong nước cũng không hề thua kém trong hoạt động “thâu tóm” dự án. Trong năm 2016, Tập đoàn Novaland (Mã CK: NVL) gây chú ý với thương vụ mua lại hơn 80% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (C21). Novaland cũng mua lại Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) của Deawon Catavil (Hàn Quốc).

Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) mua Khu nhà ở Chung cư cao tầng Phước Long B, quận 9 với giá 563,65 tỷ đồng và góp 712,5 tỷ đồng hợp tác đầu tư cùng Saigon Res tại lô đất 67.221 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Hưng Thịnh Corp mua lại 2 dự án của Công ty BCI tại quận Bình Tân và 3 dự án tại quận Thủ Đức.

3. Công bố danh sách dự án đang cầm cố ngân hàng và “bán nhà trên giấy”

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Tháng 7/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã công bố danh sách 77 dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố do chủ đầu tư dự án hoặc các cá nhân, tổ chức mua nhà trong dự án đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố. Danh sách này cập nhật đến ngày 8/6/2016.

Trong năm 2016, Sở Xây dựng TP HCM cũng công khai danh sách 60 dự án nhà ở đủ điều kiện “bán nhà trên giấy” (tính đến 24/11). Trong 60 dự này có 47 dự án căn hộ với 28.341 căn, 8 dự án nhà phố với 917 căn và 5 dự án biệt thự với 317 căn.

Đây mà những động thái tích cực của cơ quan quản lý nhằm minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan khi thực hiện các giao dịch.

4. Chấm dứt gói 30.000 tỷ, thu hẹp dòng vốn vào bất động sản

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Ngày 6/6/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN nâng hệ rủi ro trong kinh doanh bất động sản từ 150% lên mức 200%; và đặt ra lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản.

Tháng 9/2016, NHNN cũng có công văn gởi đến các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đặc biệt là đầu tư kinh doanh bất động sản, rà soát việc cấp tín dụng đối với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

NHNN đề nghị các ngân hàng cần hạn chế và thận trọng khi xem xét, thẩm định dự án, quyết định cho vay các dự án mới đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, dự án có khả năng thanh khoản thấp.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, gói 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức được NHNN chấm dứt giải ngân vào 31/12/2016.

5. Vingroup gia nhập thị trường bất động sản giá rẻ

Ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup công bố ra mắt thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity với mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp như Hoàng Quân, Mường Thanh, Himlam Land…

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Ngày 7/12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải coi việc phát triển nhà ở là đầu tư cho phát triển. Nếu để tình trạng công nhân, người nghèo không có nơi ở gây bức xúc về nhà ở thì đất nước không thể phát triển bền vững được.

Thủ tướng cũng quán triệt tinh thần “nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp” và cho rằng phải có nhiều phương thức làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

6. Thuê đất cũng phải tính vào giá trị để cổ phần hóa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung một số Nghị định.

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Nghiên cứu xác định đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để cổ phần hóa nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Thực hiện trong tháng 12/2016, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Điều 118, Luật Đất đai năm 2013, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/02/2017.

Thực tế cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đang sở hữu rất nhiều đất vàng nhưng chủ yếu là đất thuê dài hạn. Khi cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa tính đầy đủ lợi thế vị trí đất thuê vào giá trị doanh nghiệp và khi chuyển mục đích sử dụng đất thì “âm thầm” liên doanh với đối tác để triển khai dự án bất động sản thay vì phải đem ra đấu giá.

7. Cháy liên tục tại các chung cư và nhà dân

Tháng 8/2016, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hà Nội cho biết, qua kiểm tra tổng số 1.075 công trình nhà cao tầng trên địa bàn (trong đó có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động) có 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Điều đáng chú ý là trong số 38 chung cư không đảm bảo an toàn cháy nổ này, Tập đoàn Mường Thanh “đội sổ” với 15 dự án – lập kỷ lục là đơn vị có nhiều dự án vi phạm nhất từ trước đến nay.

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Riêng trong năm qua đã xảy ra 3 vụ cháy tại các khu chung cư do Mường Thanh làm chủ đầu tư. Trong năm 2016 cũng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn chung cư, nhà dân, trong đó thiệt hại nặng nhất là vụ cháy tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 người chết.

Theo số liệu của Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP HCM do HoREA tổng hợp, hiện có đến 316 chung cư trên toàn thành phố chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

8. Nở rộ hợp tác công – tư trong thực hiện dự án hạ tầng giao thông và công ích, hình thức chủ yếu là hợp đồng BT đổi đất lấy hạ tầng.

Đầu tư theo hình thức BT đang được các nhà đầu tư ưa thích, khi cơn sốt bất động sản trở lại. Nguyên nhân là thay vì phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp và phải tham gia đấu giá mới có quỹ đất, nhất là đất ở vị trí đắc địa, nhà đầu tư theo hình thức BT có quỹ đất theo giá cả thỏa thuận với Nhà nước mà không qua đấu giá.

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Đơn cử, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) đã được UBND TP HCM giao 90.078,3 m2 đất để làm dự án bất động sản.

Công ty địa ốc Đại Quang Minh được giao đầu tư Khu đô thị Sala làm vốn đối ứng thực hiện dự án 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 2; liên doanh Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK:PDR) - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 được đề xuất làm nhà đầu tư thực hiện dự án BT cầu Thủ Thiêm 4...

Cuối tháng 11/2016, UBND TP Hà Nội đã giao Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã CK:VEF) - thành viên Tập đoàn Vingroup có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tỷ lệ 1/500, tại các phường Mễ Trì, Trung Văn, Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cụ thể, khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 75,29ha, quy mô dân số khoảng 10.000 người. Quy hoạch nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án Trung tâm văn hóa, du lịch và thương mại để tạo vốn xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia - quốc tế.

9. Vụ siết nợ BIDV tại chung cư Harmona quận Tân Bình TP HCM

Ngày 24/5, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Sài Gòn bất ngờ phát đi văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao tài sản thế chấp tại dự án chung cư Harmona để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.

9 su kien bat dong san noi bat nam 2016

Theo BIDV, Công ty CP Vật tư XNK Tân Bình đã sử dụng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là dự án chung cư Harmona để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay của Công ty CP Thanh Niên.

Sau khi báo chí phản ánh và UBND TP HCM vào cuộc chỉ đạo, đến giữa tháng 6/2016 chủ đầu tư đã thanh toán nợ cho ngân hàng và tiến hành làm giấy tờ nhà cho người dân. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo người mua nhà phải tìm hiểu kỹ về pháp lý dự án cũng như uy tín chủ đầu tư.

10. Bất động sản nghỉ dưỡng hút tiền

Năm 2016 được xem là năm bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng khi thị trường liên tiếp chứng kiến sự ra đời của hàng loạt siêu dự án có quy mô đầu tư hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Cơn sốt bất động sản nghỉ dưỡng đã lan ra toàn quốc, trải dài từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa qua Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết xuống đến Vũng Tàu, Phú Quốc và lên cả Vĩnh Phúc, Sapa với sự góp mặt của đầy đủ “ông lớn”: Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group, BRG Group… Riêng Phú Quốc đã thu hút khoảng 8 tỷ USD (khoảng 168.000 tỷ đồng) vốn đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Duy Khánh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.