10 dự báo kinh tế thế giới 2017 của Goldman Sachs
“Tăng trưởng cao hơn, rủi ro cao hơn, lợi nhuận cao hơn một chút” – đó là tóm tắt của nhà chiến lược Himmelberg về năm 2017, một năm kinh tế thế giới được cho là sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ những thay đổi trong chính sách của Washington.
Dưới đây là 10 chủ đề quan trọng trong năm 2017 được Goldman Sachs đề cập:
Lợi nhuận kỳ vọng: Chỉ cao hơn một chút
So với dự báo về năm 2016, Goldman Sachs cho hay chủ sở hữu của các tài sản tài chính có lý do để kỳ vọng sự tăng trưởng trong năm 2017. Tuy nhiên, các chuyên gia của ngân hàng này nhấn mạnh dù tăng trưởng nhưng lợi nhuận năm tới vẫn sẽ ở mức thấp.
“Sự cải thiện tốt nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu là ở khu vực châu Á (trừ Nhật Bản), với mức lợi nhuận dự báo 12,5% (so với mức 3,8% của năm 2016). Trong khi đó, chỉ số Topix của Nhật Bản dự báo sụt giảm 3,7% (so với mức tăng 5,2% của năm 2016)", các chuyên gia viết.
Chính sách tài chính của Hoa Kỳ: ủng hộ sự tăng trưởng
Trong bài phát biểu khi giành chiến thắng vào ngày 9/11, thay vì tập trung vào vấn đề bảo hộ hay thắt chặt nhập cư, Tổng thống đắc cử Donald Trump nhấn mạnh đến việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như ông từng hứa hẹn.
“Thị trường đang khao khát sự tăng trưởng. Điều đó hiện rõ trong sự háo hức của thị trường trước thông điệp mà Trump đưa ra”, chuyên gia Goldman Sachs nhận định.
Cũng theo ngân hàng này, các chính sách kích cầu tài chính tại Mỹ sẽ giúp tái thiết nền kinh tế, do đó nhiều khả năng sẽ được Quốc hội thông qua.
Chính sách thương mại của Hoa Kỳ: lo lắng hơi quá
Goldman không cho rằng sẽ có chiến tranh thương mại xảy ra như nhiều người lo ngại. Ngân hàng đầu tư Mỹ kỳ vọng bất kỳ sự tái đàm phán các thỏa thuận nào (như NAFTA) cũng sẽ tập trung vào những nỗ lực cải thiện triển vọng cho các lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi nghĩ rằng các phương tiện truyền thông đang phóng đại về các cuộc chiến thương mại. Theo chúng tôi, việc áp dụng các luật thuế trừng phạt của ông Trump cũng sẽ tương tự như dưới thời Tổng thống Obama”.
Rủi ro của thị trường mới: “ Cơn thịnh nộ của Trump" chỉ là tạm thời
Tài sản trên thị trường mới nổi đã chịu ảnh hưởng lớn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng khiến việc đầu tư ra nước ngoài bớt hấp dẫn. Thêm vào đó, các chính sách bảo hộ thương mại mà ông Trump từng tuyên bố cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự tăng trưởng khi đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, Goldman Sachs nhận định đây chỉ là ảnh hưởng tạm thời. “Chúng tôi phát hiện ra rằng khi sự tăng trưởng của Mỹ khiến giá trị đồng USD nâng cao, tài sản tại các thị trường mới nổi cũng có những ảnh hưởng tích cực".
Trump và thương mại: câu chuyện đồng nhân dân tệ
Tân Tổng thống Donald Trump từng cáo buộc Trung Quốc đang thao túng tiền tệ. Gần đây, Bắc Kinh đã nỗ lực bảo vệ đồng nội tệ bằng cách sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ.
Tháng 8/2015, đồng nhân dân tệ bất ngờ giảm giá mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính. Goldman Sachs dự đoán việc đồng nhân dân tệ mất giá sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2017.
Chính sách tiền tệ: tập trung các bộ công cụ tín dụng
Theo Goldman, chính sách kiểm soát đường cong lãi suất của Nhật Bản giống như "con chim hoàng yến ở trong mỏ than" (Đây là thành ngữ chỉ một dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một điều nguy hiểm nào đấy đang đến gần).
Nâng cao triển vọng doanh thu ở thị trường Mỹ
Trong nhiều năm qua, các công ty S&P 500 thường vượt qua mong đợi của các nhà phân tích ở lợi nhuận sau thuế thay vì tổng doanh thu. Đó là do các công ty cố gắng cắt giảm chi phí thay vì nâng cao doanh thu, giúp lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tăng lên.
Theo Goldman Sachs, một nền kinh tế toàn cầu chắc chắn và sự phục hồi của giá dầu từ mức đáy tháng Hai nâng cao triển vọng tăng trưởng doanh thu ở thị trường Mỹ.
"Trong năm 2017, chúng tôi hy vọng rằng sự cải thiện trong bối cảnh kinh tế vĩ mô sẽ giúp EPS của các công ty S&P 500 tăng thêm 10% lên 116 USD và cuối năm chỉ số S&P 500 sẽ đạt 2200 điểm", Himmelberg viết.
Lạm phát tăng tại các thị trường phát triển
Đo lường thị trường dựa trên kì vọng lạm phát ở Mỹ được các nhà đầu tư dự báo sẽ tăng cao dưới thời ông Donald Trump.
Theo đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định những chính sách của ông Trump sẽ khiến lạm phát tăng rất mạnh tại Mỹ. Nhóm nghiên cứu Goldman nhận định "Một điều có thể thấy rõ rằng, các chính sách cắt giảm thuế, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo hộ doanh nghiệp nội địa là các thành tố của lạm phát. Chúng tôi dự đoán việc tăng cường đầu tư công ở các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu sẽ làm tăng gánh nặng của lạm phát lên các nền kinh tế này".
Các chiến lược gia cho rằng các ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển sẽ chấp nhận cho lạm phát tăng bởi hiện áp lực giá cả vẫn đang ở dưới mức mục tiêu.
Chu kỳ tín dụng tiếp theo: "dễ thở" hơn
Trong khi phân khúc hàng hóa của thị trường tín dụng chịu "tổn thương trong năm 2016, Goldman Sachs tin rằng chu kỳ tín dụng của năm 2017 sẽ không tồi tệ hơn.
Có thể nới lỏng chính sách tài chính
Bằng cách nới lỏng những điều kiện tài chính, ngân hàng trung ương sẽ dễ dàng thu hồi các chính sách hơn từ đó duy trì và bảo vệ giá trị của tài sản tài chính.
"Dự cảm về tính hình tài chính năm 2017 hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố hàng loạt các chính sách kích thích tài chính", ông Himmelberg cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia của Goldman cũng bày tỏ quan ngại rằng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận các điều kiện tài chính có chắc chắn được nới lỏng trong năm tới hay không.