10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước 10 tháng đầu năm?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%.
Mức tăng này chủ yếu đến từ ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%), đóng góp 8,3 điểm % vào mức tăng chung.
Còn lại, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%, đóng góp 0,2 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 7,2%, làm giảm 1,1 điểm % trong mức tăng chung.
So với cùng kỳ năm trước, IIP 10 tháng đầu năm 2024 tăng ở 59 địa phương và giảm ở 4 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành khai khoáng tăng cao.
Lai Châu dẫn đầu cả nước với mức tăng 42,2%
Trong số 10 địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trên cả nước, đứng đầu là Lai Châu với mức tăng tới 42,2%. Nguyên nhân được Cục Thống kê Lai Châu đánh giá là tăng so với cùng kỳ năm trước là do chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 42,74%. Do trong 10 tháng năm nay có mưa nhiều, lượng nước của các trận mưa đều lớn hơn so với cùng kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất thuỷ điện.
Đồng thời, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 43,94% chủ yếu là do hoạt động sản xuất xi măng Portland đen có sản lượng tăng 2.279,19% đã tác động trực tiếp và chủ yếu đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ngành khai khoáng giảm 5,98%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng nhẹ, tăng 3,89% so với cùng kỳ.
Phú Thọ đứng thứ hai tăng 39,1%
Trong 10 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tỉnh Phú Thọ tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vươn lên đứng thứ hai cả nước. Trong đó, IIP của Phú Thọ tăng cao chủ yếu nhờ ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 40,7%. Tiếp đến là ngành khai khoáng tăng 24,2%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,6%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%.
Trà Vinh tăng 37,7%
Tháng 10 năm 2024 tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục nhiều thuận lợi, ngành khai khoáng hai công ty được nâng công suất khai thác cát biển nên đã góp phần đưa chỉ số ngành khai khoáng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhiều ngành thu hút nhiều lao động như: Chế biến tôm đông lạnh, sản xuất giày dép, túi xách tăng trưởng rõ rệt; ngành sản xuất và phânphối điện tiếp tục giữ vai trò chi phối chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2024 tăng 9,63%so với tháng trước và tăng 22,45% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, IIP Trà Vinh tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khánh Hoà tăng 34,6%
Trong 10 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn duy trì đà tăng trưởng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện tăng gấp 2,75 lần; đây vẫn là lĩnh vực đóng góp chính trong tăng trưởng công nghiệp toàn tỉnh. Các lĩnh vực cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp 1,26%; riêng ngành khai khoáng giảm 28,77%.
Sơn La tăng 30,6%
Chỉ số sản xuất công nghiệp Sơn La ước tính giảm 20,62% trong tháng 10 nhưng cộng dồn 10 tháng đầu năm vẫn tăng 30,6%. Nguyên nhân chính là do các tháng gần đây, lượng mưa tại khu vực Tây Bắc Bộ tăng cao, các nhà máy thuỷ điện được huy động tăng công suất, kéo chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng cao.
Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt,.. tăng 39,55%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,19%, ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,95% còn ngành khai khoáng giảm 14,76%.
Bắc Giang tăng 27,2%
Trong tháng 10 hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao 106,98% so với tháng trước và tăng 21,88% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm,chỉ số IIP Bắc Giang ước tăng 27,16% với tất cả 4 ngành cấp 1 đều tăng. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vững vai trò đầu tầu với mức tăng 27,69%; khai khoáng tăng 3,57%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,27%; Cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 6,19%.
Nguyên nhân chỉ số IIP tháng 10 tiếp tục tăng cao so với cùng đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định của các doanh nghiệp FDI như Công ty Luxshare ICT, Tập đoàn Hồng Hải, …. và các công ty mới thành lập đến giai đoạn tăng trưởng như Fukang, Hana-crovina.
Điện Biên tăng 24,2%
Trong 10 tháng đầu năm, IIP của Điện Biên tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vươn lên vị trí thứ 7 trong số 10 tỉnh thành phố có mức tăng IIP cao nhất.
Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện của Điện Biên tăng tới 57,1%, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,7%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7%. Duy chỉ có ngành khai khoáng giảm tới 5,9%.
Cao Bằng tăng 20,6%
Trong 10 tháng đầu năm nay, Cao Bằng bất ngờ lọt top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện của Cao Bằng tăng tới 48,5%, đứng thứ ba cả nước, chỉ xếp sau Khánh Hòa tăng 175,2% và Điện Biên tăng 57,1%.
Thanh Hoá tăng 19,6%
Trong 10 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục khởi sắc, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hoá. Chỉ số IIP tháng 10 ước tính tăng 0,91% so với tháng trước, tăng 23,43% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, IIP của Thanh Hoá tăng 19,6%. Thanh Hoá cũng là một trong 5 địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, gồm: Lai Châu tăng 43,9%; Phú Thọ tăng 40,7%; Bắc Giang tăng 27,7%; Thanh Hóa tăng 19,5% và Quảng Nam tăng 19,3%.
Quảng Nam tăng 17,5%
Cũng giống như Thanh Hoá, Quảng Nam là một trong 5 địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất cả nước 10 tháng đầu năm với mức tăng 19,3%. Đây chính là động lực chính cho mức tăng IIP của tỉnh này.
Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%.