10 đại học có doanh thu nghìn tỷ
Đầu năm học 2024-2025, hầu hết đại học công bố báo cáo "Ba công khai" theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm số liệu về tài chính năm 2023.
6 trường công lập có doanh thu nghìn tỷ là Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP HCM, Kinh tế quốc dân, Tôn Đức Thắng, Công nghiệp TP HCM, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM.
Trong đó, Đại học Công nghiệp và Bách khoa TP HCM là hai cái tên mới so với thời điểm công khai năm ngoái. Đại học Cần Thơ ra khỏi danh sách, doanh thu giảm từ gần 1.120 tỷ đồng, còn hơn 950 tỷ.
Các trường tư thục thu trên nghìn tỷ đồng là Đại học FPT, Nguyễn Tất Thành và Công nghệ TP HCM (Hutech). Đại học Văn Lang chưa công khai tổng thu năm 2023 nhưng đã đạt mức 1.758 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Học phí và quy mô sinh viên trường này năm qua gần như không thay đổi.
Dẫn đầu về tổng thu là trường Đại học FPT - gần 2.920 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021. Tiếp đến là Bách khoa Hà Nội với khoảng 2.140 tỷ đồng, tăng gấp đôi.
Các trường còn lại có mức tăng thấp hơn, như Kinh tế quốc dân từ 1.060 tỷ (2022) lên 1.410 tỷ, Kinh tế TP HCM từ hơn 1.440 tỷ lên gần 1.680 tỷ...
Doanh thu của các đại học đến từ 4 nguồn: ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản, doanh nghiệp trực thuộc....
Học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất. Trong 5 trường đã công khai cụ thể nguồn thu, 4 trường thu hơn nghìn tỷ đồng từ riêng học phí. Tỷ lệ học phí trong tổng thu của các trường như Nguyễn Tất Thành, Công nghệ TP HCM lên tới hơn 98%.
Dù vậy, một số trường ghi nhận doanh thu từ các nguồn khác tăng. Như Đại học Bách khoa Hà Nội, doanh thu từ nghiên cứu khoa học và các nguồn khác tăng từ 97,4 tỷ năm 2022 lên thành 506 tỷ đồng.
Một số chuyên gia nhận định việc đại học đạt doanh thu cao là điều đáng mừng. Điều này giúp các trường phát triển đội ngũ, hạ tầng và cơ sở vật chất, tăng thu nhập giảng viên và đầu tư cho sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.
Tuy nhiên, nguồn thu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào học phí, trong khi học phí ngày một tăng, phần nào gây áp lực với người dân.
Năm học trước, Chính phủ chốt tăng trần học phí đại học, sau nhiều năm giữ nguyên vì ảnh hưởng của Covid-19. Các trường công lập chưa tự chủ được thu 12-24,5 triệu đồng mỗi năm, tăng so với cũ (9,8-14,3 triệu). Các trường đã tự chủ, có chương trình đạt kiểm định được đưa ra mức thu riêng.
Thực tế, học phí với tân sinh viên năm nay từ 10,6 đến 250 triệu đồng, phổ biến là 20-40 triệu. Các trường đều dự kiến tăng 8-15% mỗi năm.
"Đây là vấn đề cần tìm cách điều chỉnh, điều tiết", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nói.
Theo ông Nhĩ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước phải có sự đầu tư, chung tay từ nhiều nguồn. Trong bối cảnh đa dạng nguồn thu rất khó, cần thời gian lâu dài, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học cần tăng lên để giảm gánh nặng học phí của người học.
Ông cho hay ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, New Zealand, ngân sách nhà nước chiếm phần lớn nguồn thu chứ không phải học phí.
Hiện cả nước có hơn 140 trong 232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn ngân sách, khiến học phí chiếm 50-90% tổng thu.
Năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học khoảng 0,27% GDP. Trong khi, tỷ lệ trung bình của 38 nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là 0,93%. Ở Đông Nam Á, Malaysia và Singapore chi trên 1%, Thái Lan 0,64%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/