Yêu cầu Facebook, Google mở đại diện tại Việt Nam để 'truy' thuế
Mỗi năm Facebook và Google thu được hàng ngàn tỉ đồng quảng cáo tại VN ẢNH: Đào Ngọc Thạch |
Khó xác định người nộp thuế
Theo Bộ Tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ Google, Facebook, Apple... cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện (VPĐD) chính thức tại Việt Nam và khai báo nộp thuế nhà thầu. Lý do là hiện nay ta chưa quản lý thuế được với loại hình kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Thứ nữa, hoạt động của mạng internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có VPĐD chính thức tại Việt Nam, gây khó khăn trong việc quản lý thuế đối với các mạng này. Từ thực tế này, Bộ Tài chính đề xuất một loạt giải pháp nhằm quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đạt được hiệu quả.
Trong đó, Bộ Công thương và Bộ TT-TT cần kết nối và chia sẻ cung cấp những thông tin về các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực TMĐT phải báo cáo theo quy định. Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán. Yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia - Trung tâm Napas). Từ đó, cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.
Bộ Tài chính khẳng định đối với loại hình này, các nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc đã thực hiện giải pháp thanh toán trên. Bộ Tài chính đề nghị Bộ TT-TT phối hợp yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, Apple... khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Cơ quan thuế sẽ thông báo cho nhà cung cấp nước ngoài biết, đồng thời thông báo cho cơ quan thuế nước sở tại (nơi có cơ sở thường trú của tổ chức hoặc cư trú của cá nhân) biết...
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định: “Đã kinh doanh TMĐT thì phải có người đại diện hoặc ủy quyền đại diện tại Việt Nam. Hay như các hoạt động thanh toán TMĐT nếu được thông qua cổng thanh toán nội địa thì cơ quan thuế sẽ dễ thực hiện khấu trừ thuế hơn hiện nay”.
Cuộc chơi không cân sức
Ngày 10.11, Thanh Niên đã gửi câu hỏi xoay quanh các đề xuất của Bộ Tài chính đối với Google và Facebook, nhưng hai tập đoàn này không trả lời. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC, cho rằng theo cam kết của Việt Nam tại WTO, có việc cho phép các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới mà không phải có mặt tại Việt Nam.
Vì vậy, quy định của Bộ Tài chính cần xem xét kỹ để không vi phạm các cam kết đó. Hơn nữa, việc thu thuế của các DN nước ngoài có phát sinh doanh thu tại Việt Nam không phải dễ. Nhiều nước cũng đau đầu để tìm cách thu được thuế từ hoạt động kinh doanh của Google, Facebook... Chẳng hạn nước Anh đã truy thu thuế Google số tiền 130 triệu bảng trong thời gian qua.
Mặc dù Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với nhiều nước, nhưng luật sư Hùng cho rằng về nguyên tắc chung thì thu nhập phát sinh tại nước nào thì phải nộp thuế tại nước đó. Trong các thỏa thuận của 2 nước cũng sẽ có những quy định về xử lý tỷ lệ thuế như thế nào để tạo công bằng cho đôi bên. Việc quản lý thuế của các công ty đa quốc gia này rất khó, nhưng cơ quan chức năng khi đã ban hành các quy định thì những công ty này dù có hiện hữu hay không tại Việt Nam cũng nên thực hiện “luật chơi”.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nhận xét đây là một cuộc chơi không cân sức khi các DN thì hoạt động đa quốc gia, còn Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thuế, đặc biệt là vấn đề chuyển giá. Thông thường, các DN đa quốc gia né thuế tại nước sở tại và chọn nước có mức thuế suất thấp hơn để thực hiện nghĩa vụ thuế. Hơn nữa, đề nghị của Bộ Tài chính cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành tham gia và trên thực tế, thường hoạt động phối hợp là không hề dễ. Ví dụ trong trường hợp số tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ chuyển qua ngân hàng, vậy phía ngân hàng có phải báo cáo cơ quan thuế tất cả các giao dịch chuyển khoản hay không?
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, khẳng định các quy định này có thể thực hiện được. Chẳng hạn những tập đoàn kinh doanh lớn đa số cũng sẽ thực hiện việc lập VPĐD chính thức ở Việt Nam. Bởi thông qua đó, họ thực hiện nhiều hoạt động khác dễ dàng hơn như tiếp thị, phát triển sản phẩm, chăm sóc khách hàng... Quan trọng nhất là sau khi có quy định, việc giám sát, kiểm tra thực hiện như thế nào để có hiệu quả.
Ví dụ Việt Nam đã có quy định, doanh thu quảng cáo ở Việt Nam thì phía DN phải trả tiền theo phương thức khấu trừ thuế. Hay nói cách khác, chính các DN tại Việt Nam trước khi trả tiền cho Google và Facebook phải khấu trừ phần thuế theo các quy định về thuế nhà thầu. Tuy nhiên, thực tế số thu từ các DN nộp thay đó vẫn được cho là quá ít nếu so với số tiền hằng năm các tập đoàn này thu được từ thị trường Việt Nam.
Đặc biệt cơ quan thuế vẫn lúng túng và chưa thể kiểm soát được vấn đề kê khai, nộp thuế có liên quan. “Cơ quan thuế nếu làm chặt chẽ, phần lớn thuế của những tập đoàn nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sẽ có khả năng thu được. Thay vì tốn công, tốn thời gian đi kiểm tra thu thuế của nhiều cá nhân bán hàng nhỏ lẻ qua mạng mà kết quả sẽ không thu được bao nhiêu vì càng khó quản lý hơn”, luật sư Đức nói.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng việc quản lý thuế những công ty TMĐT đa quốc gia khá quan trọng và nhạy cảm. Những giải pháp tại tờ trình sửa đổi luật Quản lý thuế phản ánh phần nào những khó khăn nên ban soạn thảo đang cần thêm nhiều ý kiến từ các tổ chức, cá nhân.
Từ tháng 6.2017, Cục Thuế TP HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT. Sau quá trình phối hợp cùng các sở ngành, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết sơ kết ban đầu đã có những dấu hiệu tích cực. Cơ quan thuế đã truy thu thuế giá trị gia tăng gần 42 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gần 134 triệu đồng, thuế thu nhập cá nhân hơn 8 triệu đồng, tổng số tiền phạt và chậm nộp hơn 66 triệu đồng. Đó là chưa thống kê một trường hợp bán hàng qua mạng với số thuế thu lên đến nhiều tỉ đồng. |
Facebook, Google đã 'moi' hàng ngàn tỷ đồng của người Việt Nam thế nào?
Mỗi năm, người Việt đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng cho Google và Facebook nhưng Nhà nước lại không thu được đồng thuế nào... |