Yên Bái trao quyết định chấp thuận cho 9 nhà đầu tư với hơn 1.475 tỷ đồng
Cụ thể gồm: Dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời Criate capital Việt Nam, Dự án Khu Du lịch Sinh thái bản Dốc, dự án Nhà máy sản xuất nhôn định hình và các sản phẩm phụ trợ, Dự án gỗ xuất khẩu Yên Bái, Dự án Xây dựng Trung tâm giáo dục nghề và sát hạch lái xe tỉnh Tây Bắc...
Theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đây là những lợi thế lớn để phát huy tiềm năng của Yên Bái về chủ trương quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái cũng như khu vực vùng Tây Bắc...
Để đồng hành với các doanh nghiệp năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ông Trần Huy Tuấn khẳng định: Thời gian tới, Yên Bái đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan.
Bên cạnh đó, tỉnh nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh theo hướng lựa chọn nhà đầu tư thật sự có tiềm lực tài chính, có uy tín, sử dụng công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, tỉnh tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số...
Đồng thời, ông Trần Huy Tuấn đề nghị cấp ủy, chính quền các địa phương, các ban, sở ngành, các doanh nghiệp bám sát chủ đề của Tỉnh uỷ Yên Bái và phương châm hành động "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả".
Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành về hỗ trợ doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế; trong đó, đặc biệt quan tâm triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nhất là các nội dung liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại hội nghị, đại đa số các doanh nghiệp đều đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Trọng Hữu, Công ty TNHH Chế biến Chè Hữu Hảo, qua việc đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng đã tư vấn hỗ trợ để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành các thủ tục đầu tư, hỗ trợ về vốn, thuế, bảo hiểm xã hội... nhằm giúp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm cải cách hành chính trong tín dụng để vay vốn đâu tư thuận lợi hơn; các chính sách hỗ trợ sản xuất về thuế,; việc bình ổn giá để không tăng lãi xuất khi các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê, năm 2021, Yên Bái thành lập mới 330 doanh nghiệp, tăng 15,8% so năm 2020; thành lập mới 87 hợp tác xã, đạt 145% kế hoạch, nâng tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn hơn 2.600 doanh nghiệp và 582 hợp tác xã.
Các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 1.380 tỷ đồng, chiếm 58,5% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 43.600 người với mức thu nhập bình quân 5,8 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, có 54 dự án đầu tư được cấp mới quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 7.050 tỷ đồng. Lũy kế đến 15/3/2022, toàn tỉnh có 585 dự án với tổng vốn đăng ký 86.911 tỷ đồng và 465,7 triệu USD.
Bức tranh kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,11%, đứng thứ 2 trong tổng số 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc, đứng thứ 12 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã trao tặng món quà an sinh xã hội trị giá 20,7 tỷ đồng và 400 tấn xi măng để hỗ trợ xây dựng trường học, cầu, đường giao thông và kiên cố hóa đường giao thông nông thôn tại một số xã khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái.